Thứ Năm, 10/08/2023, 21:55 (GMT+7)
.

Chia sẻ và đồng cảm

Ngày 9-8, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên để bàn về vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh cả doanh nghiệp, người lao động đều đang rất khó khăn.

7 tháng năm đầu năm 2023, cả nước có 131.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động (mỗi tháng có 18.800 doanh nghiệp), giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể là 113.200 doanh nghiệp (bình quân 16.200 doanh nghiệp/tháng).

Còn theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, số lao động bị mất việc làm lên đến 366.800 người (quý 1 là 149.000 người, tăng 31.000 người so với quý liền kề; quý 2 là 217.800 người, tăng 68.800 người so với quý liền kề), tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ.

Lao động mất việc tăng là một trong những nguyên nhân khiến số người nhận trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng lên. Trong 6 tháng đầu năm, số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 562.600 người, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở khía cạnh khác, khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, 6 tháng đầu năm, mức chi tiêu của công nhân là 11,7 triệu đồng, tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả hàng hóa và chi phí điện nước tăng cao. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người tham gia khảo sát là 7,8 triệu đồng/người/tháng, với 77% là lương cơ bản, còn lại là từ làm thêm giờ và trợ cấp, phụ cấp.

Mức thu nhập trung bình trên 7,8 triệu đồng/người/tháng cho thấy, thu nhập của người lao động cao hơn lương tối thiểu vùng khá nhiều (vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng).

Việc quy định tiền lương tối thiểu vùng chỉ là cơ sở để xác định tiền lương thực tế của người lao động được người sử dụng lao động trả dựa trên từng tính chất công việc. Trong khi đó, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm gia tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…

Về lâu dài, việc tăng lương tối thiểu vùng có lợi cho người lao động. Song, với những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp thì tăng lương cũng tạo ra những thách thức không nhỏ. Do đó, khi tính toán đến tăng lương thì cần xem xét kỹ những tác động đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Bởi nếu tăng quá cao, doanh nghiệp khó khăn thì họ sẽ phải cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí và khiến cho mục tiêu tăng lương tối thiểu vùng không đạt được.

Ở khía cạnh khác, việc tăng lương tối thiểu cũng sẽ khiến doanh nghiệp không còn tiếp tục cạnh tranh lao động giá rẻ; từ đó thúc đẩy các nhà đầu tư phải điều chỉnh chính sách, đầu tư vào các ngành có giá trị, cải thiện năng suất lao động.

Để tìm được tiếng nói chung giữa giới chủ và người lao động, rất cần sự chia sẻ và đồng cảm của các bên. Người lao động mong muốn tăng lương nhưng cũng cần chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải; ngược lại, doanh nghiệp cũng cần đồng cảm về những áp lực mà người lao động đang đối diện.

Một vấn đề quan trọng khác khi bàn đến câu chuyện lương của người lao động là phải tính đến yếu tố thị trường. Tức là, lương/thu nhập người lao động sẽ phải có cao - thấp, lên - xuống tùy vào vị trí công việc, sức khỏe doanh nghiệp, nền kinh tế. Trong đó, người lao động cần phải nâng cao trình độ, tay nghề để mình trở nên “có giá” hơn trong việc đàm phán lương/thu nhập với giới chủ. Một khi “giá trị” của người lao động tăng lên thì “giá tiền” mà người lao động nhận được cũng tăng tương ứng.

(Theo www.sggp.org.vn)

 

 

.
.
.