Thứ Tư, 09/08/2023, 10:30 (GMT+7)
.

Để các cuộc thi sắc đẹp... đẹp hơn trong mắt công chúng!

Những ngày gần đây, ồn ào xung quanh phát ngôn của tân hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi (Miss World Việt Nam 2023) dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hoa hậu và cuộc thi này vẫn đang trở thành “điểm nóng” trên các diễn đàn, nhất là mạng xã hội. Từ những bất cập của cuộc thi và cách bài xích, “ném đá” thái quá của một bộ phận công chúng khiến nhiều người nêu vấn đề đã đến lúc chúng ta cần phải định vị lại cách hành xử của công chúng cũng như các cuộc thi hoa hậu và nhan sắc đang ngày càng nở rộ hiện nay.

Những ồn ào về hoa hậu và Cuộc thi  Hoa hậu thế giới 2023 đang thu hút sư chú ý của dư luận những ngày gần đây. (Ảnh: Theo Báo Người lao động).
Những ồn ào về hoa hậu và Cuộc thi Hoa hậu thế giới 2023 đang thu hút sư chú ý của dư luận những ngày gần đây. (Ảnh: Theo Báo Người lao động).

Hiện nay, các cuộc thi nhan sắc đang có xu hướng ngày càng phát triển và được hưởng ứng rộng rãi trên khắp thế giới. Cùng với sự phát triển, thông điệp qua mỗi cuộc thi cũng vô cùng phong phú, không chỉ trong giới hạn về nhan sắc như tên gọi mà hơn thế là thông qua sắc đẹp, bàn luận những vấn đề mang tính xã hội như: chủng tộc, giới tính…, từ đó, truyền cảm hứng cho phái đẹp, giúp họ có thêm sức mạnh, sự tự tin thể hiện bản thân hay khai phá những năng lượng, khả năng tiềm ẩn… Đặc biệt, trên vũ đài quốc tế, các cuộc thi sắc đẹp cũng tạo cơ hội cho mỗi quốc gia quảng bá hình ảnh đất nước, con người với bạn bè quốc tế trên khắp năm châu.

Thế nhưng, một thực tế không thể phủ nhận, các cuộc thi nhan sắc, hoa hậu đang dần đánh mất sự quan tâm của công chúng và thậm chí đứng trước nguy cơ “mất giá, hạ nhiệt” vì ngày càng có nhiều cuộc thi “mọc lên như nấm". Mỹ, Ấn Độ, Venezuela... là những cường quốc về sắc đẹp trên bản đồ thế giới, nhưng tại “sân nhà”, các cuộc thi hoa hậu cũng đang giảm sức hút. Ở châu Âu, Hàn Quốc..., các cuộc thi cũng đã thoái trào, nguyên nhân là do chất lượng đặt ra đối với các thí sinh thấp. Vương miện cao quý nhất đối với mỗi người đẹp hay hoa hậu chính là sự đón nhận và ghi nhận của công chúng. Vậy mà chúng ta còn nhớ Hoa hậu Thế giới (Miss World) 2015 - Mireia Lalaguna - dù đã xuất sắc giành được ngôi vị cao nhất cuộc thi nhưng khi trở về quê nhà (Tây Ban Nha) lại bị “ngó lơ” khi chỉ có người thân ra nghênh đón mà không có khán giả nào đến sân bay cổ vũ cho tân hoa hậu.

Ở Việt Nam, hiện tượng này cũng không phải hy hữu. Từ khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ra đời, nhiều quy định cởi mở hơn cho các cuộc thi hoa hậu, vì thế số lượng cuộc thi nở rộ, nhiều mặt trái cũng theo đó nảy sinh. Theo thống kê, trong năm 2022, Việt Nam có khoảng 30 cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ, cũng có nghĩa, một năm, sẽ xuất hiện khoảng 30 hoa hậu cùng với hơn 60 á hậu trên mọi miền Tổ quốc. Khái niệm “bội thực hoa hậu”, “lạm phát hoa hậu” cũng từ đó được sinh ra và thậm chí người dân còn truyền nhau câu bông đùa: Phấn đấu mỗi nhà có một cô hoa hậu! Cũng vì mỗi năm có quá nhiều cuộc thi hoa hậu và sắc đẹp nên có lẽ danh xưng hoa hậu cũng vì thế mà giảm sức hút.

Gần đây nhất, Cuộc thi Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 (Miss World Việt Nam 2023) với sự đăng quang của Huỳnh Trần Ý Nhi đã làm dậy sóng dư luận. Với những hành động và phát ngôn gây tranh cãi, chỉ sau gần hai tuần đăng quang, Ý Nhi đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích, tẩy chay dữ dội từ khán giả, thậm chí còn có nhiều ý kiến yêu cầu ban tổ chức tước vương miện của tân hoa hậu.

Với những phát ngôn và cách ứng xử thể hiện sự thiếu tinh tế, non kém của tân hoa hậu rõ ràng khó có thể chiếm được cảm tình và đòi hỏi công chúng phải tung hô, ủng hộ... Thế nhưng chỉ vì sự non nớt, vạ miệng của tân hoa hậu “trẻ người non dạ”, thiếu kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử mà một bộ phận công chúng kêu gọi thành lập các hội nhóm "antifan" với con số đông kỷ lục, lên đến hàng chục ngàn người, tập trung “ném đá”, tẩy chay, thậm chí căng băng rôn khẩu hiệu thóa mạ, xúc phạm, hạ thấp uy tín của tân hoa hậu ở khắp nơi là việc làm thái quá, vượt quá giới hạn cho phép. Đây rõ ràng là cách hành xử thiếu văn minh trước những sai lầm của người khác. Việc “ném đá”, “dìm hàng”, không cho họ có cơ hội thay đổi, sửa sai… là cách làm cực đoan cần phải được hạn định và định vị lại.

Nhiều về số lượng dẫn đến khó kiểm soát về chất lượng, vì thế có thể xảy ra việc “chọn nhầm”, “trao nhầm” vương miện cho các người đẹp không còn là chuyện hy hữu, chính vì vậy đã đến lúc chúng ta cần phải định vị lại các cuộc thi nhan sắc, cần tăng cường giám sát của các cơ quan chức năng và cần có tiêu chí nhất định cho ban giám khảo của các cuộc thi sắc đẹp.

Theo tìm hiểu, các cuộc thi nhan sắc thu hút số tiền tài trợ "khủng" từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho các cuộc thi nhan sắc ngày càng nở rộ bất chấp sự phản ứng của dư luận hiện nay. Tại một cuộc thi hoa hậu gần đây, trong số 6 thành viên Ban Giám khảo thì có tới 4 người liên quan đến Công ty tổ chức cuộc thi đó là tổng giám đốc công ty tổ chức, 3 giám khảo là 3 cựu hoa hậu thuộc quyền quản lý của công ty này. Vì thế chúng ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về chất lượng và sự phân minh của các cuộc thi hoa hậu theo kiểu “tự đá bóng, tự thổi còi” như thế này?

Liệu trong các cuộc thi nhan sắc, thứ mà Ban Tổ chức quan tâm nhất có phải là tìm và tôn vinh cái đẹp hay là giá trị thương mại mà những cái đẹp này mang lại?

Sắc đẹp là một tài sản cao quý, nếu thương mại hóa sẽ đánh mất đi những giá trị cao quý mà nó hướng đến là tôn vinh người phụ nữ. Để định vị lại những cuộc thi nhan sắc cũng như để các cô gái không trở thành nạn nhân của những chiếc vương miện rất cần có sự đồng hành, sâu sát, nghiêm khắc của các cơ quan chức năng và sự công bằng, văn minh, thông thái của công chúng.

(Theo dangcongsan.vn)

 

.
.
.