Thứ Sáu, 25/08/2023, 08:50 (GMT+7)
.

Nhìn thẳng-Nói thật: Chạnh lòng... tiền lương công chức

Chưa dám so sánh với lương công chức ở các nước phát triển, mới chỉ so với 3 nước trong khu vực (trong đó có 2 nước có chỉ số GDP xếp sau Việt Nam), mà lương “người nhà nước” của ta vẫn thua khá xa họ. Nghĩ mà chạnh lòng!

Một thông tin vừa được Bộ Nội vụ công bố tuy không mới, nhưng bất cứ ai tâm huyết với nền hành chính công vụ nước nhà không khỏi trăn trở.

Đó là, trong vòng một năm (từ tháng 7-2022 đến hết tháng 6-2023), cả nước có gần 19.000 công chức, viên chức thôi việc; bình quân mỗi tháng có 1.582 người rời khỏi cơ quan nhà nước. Số người thôi việc cơ quan nhà nước trong năm qua tăng gần 260 người mỗi tháng so với thời điểm từ tháng 1-2020 đến tháng 6-2022. Trong ba năm rưỡi qua, toàn quốc có 58.500 người thôi việc cơ quan nhà nước.

a
Một thông tin vừa được Bộ Nội vụ công bố tuy không mới, nhưng bất cứ ai tâm huyết với nền hành chính công vụ nước nhà không khỏi trăn trở.

Đáng nói hơn, số người thôi việc chủ yếu dưới tuổi 50, gần nửa số đó có trình độ đại học và 16% sau đại học. Các địa phương có số người thôi việc cơ quan nhà nước nhiều nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang.

Chuyện “người ra, người vào” bộ máy công quyền là bình thường, nhưng những con số nêu trên không thể coi là chuyện thường, bởi lẽ số người rời bỏ cơ quan nhà nước đã gia tăng bất thường, nhất là trong đó số người có trình độ học vấn cao và kinh nghiệm công tác lâu năm lại chiếm tỷ lệ lớn. Điều này cho thấy tình trạng “chảy máu chất xám” trong nền công vụ ở nước ta rất đáng quan ngại.

Càng đáng suy ngẫm hơn, trong số 9 địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất thì có tới 5 tỉnh, thành phố (nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân cao nhất cả nước trong năm 2022), gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai. Điều này cũng là chỉ dấu cho thấy, tuy là những địa phương giàu nhất nhì đất nước, nhưng nền công vụ ở đây chưa đủ sức hấp dẫn, “níu kéo” công chức, viên chức khiến họ phải “dứt áo ra đi”.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng nêu trên là tiền lương công chức, viên chức còn thấp. Bức xúc trước vấn đề này, một đại biểu Quốc hội khi đăng đàn mới đây tại nghị trường đã đưa ra con số so sánh: Mức lương trung bình của một công chức ở Việt Nam là trên dưới 10 triệu đồng, trong khi một công chức của Thái Lan là 56 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng. Chưa dám so sánh với lương công chức ở các nước phát triển, mới chỉ so với 3 nước trong khu vực (trong đó có 2 nước có chỉ số GDP xếp sau Việt Nam), mà lương “người nhà nước” của ta vẫn thua khá xa họ. Nghĩ mà chạnh lòng!

Có một thời, nhiều người dân có ước mơ cháy bỏng được vào công tác trong bộ máy công quyền các cấp và vị thế, hình ảnh “người nhà nước” có sức cuốn hút mãnh liệt đối với rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Nhưng khi bước chân vào cơ quan công quyền được dăm bảy năm, đồng lương ba cọc ba đồng cộng với môi trường làm việc ở nhiều nơi “bí bách” khiến nhiều công chức, viên chức “vỡ mộng” rồi tự nguyện rời bỏ công sở đi tìm việc làm khác hoặc chuyển sang khu vực tư dễ kiếm tiền, kiếm sống tốt hơn.

Mấy năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19 làm chao đảo cả thế giới, thì nhiều địa phương cấp huyện, cấp xã ở Việt Nam lại bước vào hành trình giải thể, tách ra, nhập vào khiến một bộ phận công chức, viên chức như “ngồi trên đống lửa”, ăn không ngon, ngủ không yên vì không biết “nay ở, mai đi” bất cứ lúc nào. Tình hình đó có lẽ khiến nhiều “người nhà nước” bất an nên họ không còn mặn mà, thiết tha với cái nghiệp làm “công bộc” của dân, cũng là điều dễ hiểu!

Đảng ta đã xác định đặt con người vào trung tâm của sự phát triển và lấy hạnh phúc con người là thước đo của sự phát triển. Đội ngũ công chức, viên chức là “xương sống”, là “linh hồn” của bộ máy công quyền và có vai trò quyết định đến sự thành bại của nền quản trị quốc gia nói chung và nền hành chính các cấp nói riêng, lẽ nào họ lại không được trả lương tương xứng, để họ có thêm hạnh phúc, niềm tin mà tận tâm phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước và cũng là để phòng ngừa thực trạng “chảy máu chất xám” đang diễn ra trong bộ máy công quyền?

Theo qdnd.vn

.
.
.