Tránh tạo "sức ỳ" cho hạt gạo
Mặt bằng giá gạo Việt Nam xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 15 năm qua. Ở trong nước, giá lúa nguyên liệu tăng cao. Lúa trên đồng còn hơn tháng nữa mới thu hoạch đã có thương lái đến đặt cọc mua. Nếu như giá lúa vụ đông xuân trước, bà con nông dân bán trên dưới 5.000 đồng/kg, thì nay có người nhận cọc 8.500 đồng/kg. Giá gạo nội địa bán tại các chợ cũng tăng từng ngày.
Giá gạo tăng, người trồng lúa được lợi, là cơ hội thị trường cho thương nhân xuất khẩu gạo, nhưng thị trường trong nước đang diễn biến đáng lo ngại. Có doanh nghiệp phải chấp nhận mua lúa sốt giá để trả hợp đồng bán gạo đã ký trước với bạn hàng nước ngoài, thành ra cảnh “mua mắc, bán rẻ”, chịu lỗ. Ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao bất hợp lý. Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, mà cần hoàn thiện chuỗi ngành hàng lúa gạo bền vững.
Nhiều doanh nghiệp đang lo ngại, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công thương chuẩn bị còn những quy định chưa đáp ứng yêu cầu. Chi phí, thời gian đi lại và hồ sơ cho thương nhân xuất khẩu gạo phần lớn là ở vùng ĐBSCL còn khá cao.
Sau mỗi 5 năm, thương nhân phải xin chứng nhận mới với thủ tục tương tự lần đầu. Mức phí ủy thác xuất khẩu từ 1-5 USD mỗi tấn gạo dễ dẫn đến tình trạng “cho thuê giấy chứng nhận”, sẽ tạo sức ỳ, khiến hạt gạo Việt Nam đắt đỏ hơn, khó xuất khẩu hơn.
Do đó trước hết, cần hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hướng khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu; các thương nhân phải liên kết với người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo...; tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt.
Tình trạng giành giật mua “lúa non” hiện nay là do phần lớn thương nhân xuất khẩu gạo không xây dựng được vùng nguyên liệu, phụ thuộc thương lái, nên không tận dụng được cơ hội thị trường. Vì vậy mà quy định dự trữ lưu thông ít nhất 5% tổng sản lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó không được thực hiện nghiêm. Tiến độ đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia trong bối cảnh giá cả biến động cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần hoàn thiện các mô hình liên kết, ưu tiên vùng nguyên liệu 1 triệu hécta lúa ở ĐBSCL theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, cần xem xét kích hoạt cơ chế bình ổn giá gạo thị trường nội địa, hỗ trợ người tiêu dùng yếu thế, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho người sản xuất lúa, thương nhân xuất khẩu gạo. Cơ quan chức năng quản lý thị trường, quản lý giá cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu, tiêu thụ nội địa.
Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm khi thị trường gạo biến động vào các năm 2008, 2020 và năm 2022. Những “được - mất” trong điều hành xuất khẩu gạo vừa qua cần được xem xét thấu đáo để vận hành cơ chế hiệu quả nhất trong hiện tại.
Ngoài các giải pháp trước mắt, cần tập trung nâng cao chất lượng giống lúa mùa vụ tới và định hướng lâu dài cho ngành hàng lúa gạo, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, xây dựng mối liên kết thực chất, hiệu quả giữa thương nhân xuất khẩu gạo - hợp tác xã - nông dân, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo Việt Nam.
(Theo www.sggp.org.vn)