Thứ Hai, 18/09/2023, 14:31 (GMT+7)
.

Hãy để lòng tốt được đặt đúng chỗ!

Việc chung tay quyên góp, gửi tấm lòng hảo tâm tới các nạn nhân và gia đình trong vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân trong giai đoạn khó khăn này là vô cùng trân quý. Tuy nhiên, người dân cần cẩn trọng khi gửi tiền ủng hộ trên mạng xã hội, tránh để lòng tốt bị lợi dụng.

a
Sau gần 2 ngày xảy ra vụ cháy chung cư, có tài khoản trên mạng xã hội đã quyên góp được hơn 4 tỷ đồng.

Đã hơn 3 ngày kể từ khi xảy ra vụ hoả hoạn kinh hoàng khiến nhiều người tử vong và bị thương tại chung cư mini ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng những người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Xuất phát từ tình cảm chân thành, hy vọng có thể giúp đỡ, chia sẻ kịp thời với những nạn nhân trong vụ cháy sớm vượt qua thời điểm khó khăn nhất, rất nhiều người với nhiều cách khác nhau đã có những hành động hỗ trợ thiết thực đầy tính nhân văn. Tất cả, đơn thuần đều xuất phát từ sự lương thiện, tình yêu thương đối với những người mà chúng ta vẫn gọi 2 tiếng thân thương “đồng bào”.

Trên trang Facebook, không ít cá nhân đã chia sẻ sẵn sàng nhường nơi ở cho nạn nhân. Đó là trường hợp chị Dương Quỳnh Tâm. Vốn định sang sửa tòa nhà 6 tầng trên phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng để làm cửa hàng nhưng chị Tâm đã quyết định dừng lại và dọn gọn đồ đạc của mình để hỗ trợ chỗ ở cho các nạn nhân sau vụ cháy chung cư mini vừa qua. Chăn màn, bếp từ, thậm chí là những vật dụng cá nhân như khăn tắm, bàn chải, kem đánh răng,... cũng được chị Tâm chuẩn bị đầy đủ.

Hay như chủ nhà ngõ 250 Nguyễn Xiển dành riêng tầng 1 và tầng 2 (100m2 sàn) của căn nhà mình để làm chỗ ăn ở tạm thời miễn phí cho đến khi các nạn nhân tìm được chỗ ở mới; nấu gần 1.000 suất ăn hỗ trợ lực lượng cứu hộ đám cháy và các nạn nhân những ngày qua...

Trên mạng xã hội Facebook cũng đã xuất hiện những lời kêu gọi quyên góp hỗ trợ các nạn nhân. Sức mạnh, sự lan toả của cộng đồng đã thu về được một số tiền để hỗ trợ cho họ trong lúc khốn khó. Tuy nhiên, lợi dụng lòng tốt của người dân, trên một số trang Facebook giả mạo kêu gọi ủng hộ, gây bức xúc cho người nhà nạn nhân.

Theo người nhà của một nạn nhân trong vụ cháy, chị vừa nhận được thông tin có tài khoản tự nhận là cô giáo, biết hoàn cảnh của gia đình nên đã kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ. Sau khi liên lạc với tài khoản Facebook kêu gọi ủng hộ này thì họ không hề biết thông tin gì về con chị. Hiện gia đình cũng chưa đăng bất kỳ thông tin kêu gọi nhờ mọi người giúp đỡ. Chị nghi vấn đây là chiêu trò câu view, câu like, trục lợi từ thiện.

Đại diện người nhà nạn nhân khuyến cáo những người có tấm lòng hảo tâm có ý định giúp đỡ các gia đình nạn nhân cần tìm hiểu kỹ thông tin để giúp đỡ đúng người, đúng địa chỉ, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ những kẻ cố tình giả mạo để lừa đảo, trục lợi từ thiện...

Hay là một fanpage khá lớn, không bao lâu sau khi đăng tải nội dung kêu gọi quyên góp hỗ trợ những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn đã thông báo nhận về số tiền lên đến trên 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băng khoăn là việc toàn bộ số tiền được kêu gọi này đều chuyển về một tài khoản cá nhân. Dù phía fanpage có thông tin sẽ công khai minh bạch, sao kê toàn bộ số tiền ủng hộ nhưng vẫn không ít người tỏ ra nghi ngại cũng như đặt nhiều dấu hỏi về liệu số tiền quyên góp có được đúng đến tay người cần?

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề "quyên góp online" vào tài khoản cá nhân gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Không thể phủ nhận sức lan tỏa từ mạng xã hội có thể thực sự giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn cũng như kết nối các tấm lòng hảo tâm. Tuy nhiên, đã có những người chuyển tiền mà không biết số tiền mình chuyển rồi sẽ đi về đâu, cuối cùng bàng hoàng nhận ra lòng tốt của mình lại bị kẻ xấu lợi dụng.

Sự lương thiện của chúng ta chỉ khi đặt đúng chỗ mới có thể sưởi ấm người cần. Vì thế, người dân không nên gửi tiền đến các tài khoản cá nhân, chưa có tính xác thực, cần cân nhắc và lựa chọn gửi đến tài khoản đã được thông báo, xác thực tại địa phương để tránh lòng tốt bị lợi dụng. Khi chuyển khoản người dân cũng cần xem kỹ thông tin chuyển khoản để tránh chuyển nhầm.

Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Thông tư 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có quy định, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải mở sổ sách để ghi chép các khoản đã tiếp nhận đóng góp tự nguyện của các nhà tài trợ; các khoản đã phân phối và sử dụng từ nguồn này để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện một cách chính xác, trung thực, bảo đảm công khai, minh bạch.

Cùng với đó, pháp luật đã quy định, không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động. Thông tư số 41/2022/TT-BTC Điều 5 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ: Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm:

“1. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25-9-2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép”. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, hiện tại, pháp luật không cho phép bất cứ tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Từ thiện là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Nhưng để làm tốt thì trước hết các cá nhân, tổ chức phải làm cho đúng: Tuân thủ pháp luật; công khai, minh bạch số tiền nhận ủng hộ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giám sát, quản lý hoạt động từ thiện và có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời nếu sai sót.

Hơn ai hết, cộng đồng mạng, các nhà hảo tâm luôn mong muốn tấm lòng của mình được gửi tới đúng địa chỉ, đúng người cần hỗ trợ. Để lòng tốt được đặt đúng chỗ, người dân cần nâng cao cảnh giác trước những tài khoản mạng xã hội kêu gọi ủng hộ. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ. Chỉ lựa chọn các quỹ, chương trình quyên góp ủng hộ do Nhà nước, đoàn thể được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý nghiêm vi phạm.

Theo dangcongsan.vn

 

 

.
.
.