Chủ Nhật, 17/09/2023, 16:13 (GMT+7)
.

Vụ cháy chung cư mini - giải pháp nào phòng tránh?

Với việc diễn tập PCCC, người dân sẽ làm quen với việc khói lửa mịt mù mà không hoảng loạn, biết sử dụng đúng cách các trang thiết bị chữa cháy. Khi hoả hoạn xảy ra, chắc chắn sẽ giảm được thiệt hại.

Thực sự quá đau xót!

Tôi không muốn viết về vụ cháy chung cư mini Khương Hạ vì thông tin đã tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội. Nhưng nhớ lời người anh làm cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) căn dặn: Phải kiên trì làm công tác này. Phải kiên trì, nhẫn nại không được nản. Phải nói, phải hướng dẫn người dân về công tác PCCC cho bằng được. Cho dù người khác nói "có làm sao đâu"? "Làm ao mà cháy được?", "Sao bắt làm đủ thứ thế?"..., cũng vẫn phải kiên trì hướng dẫn, còn hơn là nghe tiếng gào thét kêu cứu trong đám cháy mà bất lực.

Nghĩ đến những lời anh dặn, tôi lại cầm bút viết.

a
Lực lượng cứu hộ căng mình cứu hộ trong đêm. Ảnh: báo Nhân dân

Là người phụ trách công tác PCCC của công ty mười mấy năm, năm nào tôi cũng được đào tạo lại, được tham gia diễn tập PCCC. Càng thân thiết, anh càng cho cấp dưới đến kiểm tra kĩ càng, chi tiết, sai chút là phạt thẳng tay, còn khắt khe hơn các mối quan hệ khác.

Quan điểm của anh về công tác PCCC như người anh khó tính “yêu cho roi cho vọt”, chứ không xuề xoà, dễ dãi kiểu “yêu cho ngọt cho bùi” hay “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”.

Phải khẳng định, hiệu quả của việc diễn tập là rất lớn, công nhân viên sẽ quen với tình huống khi có sự cố, làm quen với việc khói lửa mịt mù mà không hoảng loạn, biết sử dụng đúng cách các trang thiết bị chữa cháy, cụ thể là bình cứu hoả. Khi tình huống hoả hoạn xảy ra, chắc chắn sẽ giảm được thiệt hại.

Tại công ty tôi, khi khách đến công ty làm việc, thì việc đầu tiên trước khi giới thiệu công ty là thuyết minh về vị trí của khách và sơ đồ thoát hiểm khi có sự cố, đó chính là sự tôn trọng khách ở mức cao nhất, đảm bảo cho khách được an toàn.

Trở lại vụ cháy chung cư ở Thanh Xuân (Hà Nội), 56 người chết - con số quá lớn - nó lớn như nỗi đau trong lòng những người thân còn ở lại trên cõi trần. Nó cũng là con số gây sự ám ảnh, gây áp lực lên những người có trách nhiệm, phải có giải pháp để phòng tránh các vụ việc tương tự.

Việc quy trách nhiệm xử lý nghiêm từ chủ cơ sở xây dựng vượt số tầng, sai thiết kế cho phép, đến việc các cơ quan chức năng chưa kiểm tra xử lý, phát hiện sai phạm cho đến công tác kiểm tra PCCC của đơn vị phụ trách địa bàn có làm gắt đến đâu cũng là muộn màng.

Họ cũng là nạn nhân trong danh sách nối dài do quy hoạch đô thị chưa phù hợp và cả thể chế, chế tài còn lỏng lẻo trong xây dựng, kiểm soát an toàn về PCCC. Khởi tố, bắt giam, kết án..., không hình phạt nào có thể lấy lại tính mạng của người đã khuất, xoá đi nỗi đau trong lòng người thân của họ.

Càng trưởng thành mới càng hiểu câu nói “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, mới hiểu nỗi đau tột cùng trên những gương mặt méo xệch trong nước mắt, chỉ cần con đi học về muộn hơn thường ngày đã lo lắng rồi, mà giờ đây đến hình hài cũng còn khó nhận ra.

Người Việt vẫn còn một số thói quen xấu. Có người sẵn sàng quan tâm đến chiến sự Nga - Ukraine hơn các điều luật chính sách có ảnh hưởng tới thu nhập và cuộc sống của mình, coi nhẹ những thông tin tuyên truyền về an toàn, an ninh, PCCC… Cũng bởi những kiến thức hữu ích này không mấy hấp dẫn như các tin tức giật gân như trong giới giải trí hay những sự vụ tiêu cực trong xã hội. Việc thiếu trang bị những kiến thức này vô tình trở thành kẻ thù của chúng ta khi cần thoát hiểm hay cứu giúp người khác.

Xem những hình ảnh tang thương của vụ cháy, nếu là người viết thì sẽ không bao giờ chỉ đứng giơ điện thoại quay phim, chụp ảnh…, phải làm gì đó để cứu được người, nếu không thì cũng không đứng đó làm vướng chân các anh lính cứu hoả chuyên nghiệp.

Nếu là người có kiến thức về phòng cháy chữa cháy, có thể mượn loa công suất lớn của phường, nhanh nhất có thể, hướng dẫn những người sống sót trong toà nhà không hoảng loạn, làm theo hướng dẫn như bịt khăn ướt vào mặt, phát tín hiệu cầu cứu, trong tình huống 1 sống 2 chết thì lấy chăn đệm ra nơi người gặp nạn có thể nhảy xuống để giảm chấn thương, giữ được tính mạng.

Người viết đã từng viết nhiều bài về cháy nổ, nhưng cũng cảm nhận được sự thờ ơ của bạn đọc về nội dung này. Nếu không thực sự quan tâm, tìm hiểu về PCCC, chắc chắn sẽ vẫn còn những vụ tương tự khi trong các “ngõ nhỏ, phố nhỏ” vẫn còn đó những ngôi nhà xây cơi nới, sai thiết kế, vẫn “bịt mọi lỗ, đua mọi chỗ”, thi công đường điện ẩu, kém chất lượng.

Thực tế, có những bác ăn nhậu thích hút thuốc lá, lấy kẹo cao su bịt luôn cửa nhận khói của đầu báo khói, tắt luôn hệ thống cảnh báo cháy cho đỡ phiền. Hệ thống PCCC trong nhiều toà nhà chung cư không được vận hành bảo dưỡng thường xuyên, để lại những hậu quả đau lòng.

Sau vụ cháy này, mọi người sẽ rộn lên, rồi ồn ào chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm để thoát nạn trong đám cháy, sẽ mua thêm vật dụng như thang dây, bình chữa cháy… để trang bị, nhưng rồi sẽ lại nhanh chóng quên đi cho tới khi có vụ việc tiếp theo.

Để ngăn chặn những thảm hoạ tương tự thì cần phải làm gì?

Theo người viết, thứ nhất, cần quy hoạch lại đô thị. Tất cả những khu nguy cơ cao về cháy nổ phải di dời, không tập trung dân chen chúc vào vùng lõi của đô thị, giãn dân ra các khu đô thị mới có quy mô lớn và thiết kế an toàn.

Thứ hai, cần tổng thanh tra tất cả các toà nhà, căn hộ tập trung đông người, đối chiếu với giấy phép, tiêu chuẩn xây dựng, phát hiện sai phạm thì giải quyết triệt để không có vùng cấm.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra công tác PCCC trên mọi địa điểm có người ở, làm việc, phân loại cấp độ nguy cơ để lên lịch tuần tra kiểm tra, xử lý sai phạm.

Thứ tư, tiến hành thực tập diễn tập các phương án PCCC định kỳ, tạo thói quen, phản xạ cho người dân.

Thứ năm, nội dung kiến thức về PCCC phải được đào tạo từ cấp mẫu giáo đến đại học. Không có diễn tập va chạm thực tế thì tất cả chỉ là lý thuyết. Khi gặp tình huống thật sẽ quên sạch mà hành động theo bản năng. Chỉ có diễn tập làm quen mới thành phản xạ có điều kiện được.

Thứ sáu, điện và thiết bị điện vẫn phải dùng không thể bỏ, nhưng cần thiết kế lại cho an toàn. Ngày nào còn những con ngõ nhỏ hẹp ngoằn nghoèo, những ngôi nhà xây sai công năng thiết kế, mạng lưới dây điện chằng chịt, ngày đó sẽ vẫn còn nguyên những nguy cơ.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.