Thứ Tư, 18/10/2023, 21:12 (GMT+7)
.

Biến động giá xăng dầu ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao?

Giá dầu đã tăng 4% ngay sau vụ tấn công của Hamas vào Israel. Tuy Israel không phải là một nhà sản xuất dầu lớn, nhưng vị trí địa chính trị và khả năng leo thang của xung đột đã khiến nước này trở thành tâm điểm của sự quan tâm trên thị trường dầu mỏ. Trung Đông, với vai trò là một trong những nguồn cung dầu lớn nhất thế giới, luôn là tâm điểm của sự biến động khi có xung đột.

Các nhà giao dịch thường có xu hướng “mua trước, hỏi sau” khi có dấu hiệu bất ổn do dự báo nguồn cung dầu sẽ bị gián đoạn. Cuộc xung đột vũ trang tại Israel cũng tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và giá trị tiền tệ. Tâm điểm trên thị trường đang đổ dồn vào cách mà các quốc gia chủ chốt trong khu vực, như Ả Rập Saudi và Iran, phản ứng, bởi các hành động của họ có thể làm tăng thêm sự bất ổn trong nguồn cung dầu.

Cuộc chiến không chỉ làm tăng giá dầu do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, mà còn làm tăng thêm mối lo về các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng các chỉ số kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn một khi giá dầu toàn cầu tăng vọt nếu xung đột giữa Hamas và Israel tiếp tục leo thang.

Trong năm 2023, NHNN đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm 150 điểm cơ bản lãi suất chính sách từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,9% vào tháng 9, cho thấy những kết quả mong đợi vẫn chưa thực sự đạt được.

a
Cuộc xung đột không chỉ làm tăng giá dầu mà còn làm tăng thêm mối lo về các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng các chỉ số kinh tế toàn cầu (ảnh: Freepik).

Về tỷ lệ lạm phát, mặc dù NHNN đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát chung, giảm từ 4,9% so với cùng kỳ vào tháng 1 năm 2023 xuống còn 2,1% so với cùng kỳ vào tháng 7 năm 2023, tuy nhiên, lạm phát cơ bản lại chỉ giảm tốc độ từ 5,2% xuống 4,1% trong cùng khoảng thời gian. Điều này cho thấy áp lực lạm phát cơ bản vẫn còn là một mối lo đáng kể. Vấn đề này đặt ra một câu hỏi lớn: liệu NHNN có cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình để đối phó với các cú sốc mới hay không?

Tăng giá dầu do cuộc xung đột Israel – Hamas đang làm phức tạp thêm tình thế mà NHNN phải đối mặt. Giá dầu cao không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác, như giá lương thực, từ đó tăng áp lực lên lạm phát. Đối với Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, tình hình càng trở nên khó khăn. Trong bối cảnh này, NHNN phải cân nhắc giữa việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và việc duy trì tăng trưởng kinh tế.

Một trong những giải pháp có thể được xem xét là việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá dầu từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Điều này sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng ứng phó với những biến động toàn cầu. Độ trễ hiện tại theo quy định là 10 ngày có thể làm tăng áp lực lạm phát trong thời kỳ giá dầu toàn cầu tăng cao. Theo quy định hiện hành, giá xăng dầu trong nước không thay đổi trong 10 ngày, bất chấp biến động của thị trường thế giới.

a
Một trong những giải pháp có thể được xem xét là việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá dầu từ 10 ngày xuống còn 5 ngày (ảnh: Freepik).

Nếu giá dầu toàn cầu tăng vọt do một sự kiện như cuộc chiến Israel – Hamas, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu mức giá cao trong một thời gian dài trước khi có bất kỳ sự can thiệp nào từ chính phủ diễn ra. Sự chậm trễ này có thể có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, làm tăng chi phí vận chuyển, hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy lạm phát.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo cho Việt Nam về nguy cơ biến động tỷ giá hối đoái, đặc biệt khi lãi suất đã được điều chỉnh xuống. Khi giá dầu tăng, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu dầu cũng tăng theo, có thể đẩy giá trị của đồng Việt Nam xuống. Một đồng tiền yếu hơn có thể tạo ra tác động truyền dẫn đến lạm phát, khi giá của các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm dầu, tăng tính theo đồng nội tệ.

Sự mất giá của đồng tiền có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực kiểm soát lạm phát của NHNN. Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể phải đối mặt với một loạt các quyết định khó khăn về chính sách tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái để đảm bảo ổn định kinh tế.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.