"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong xử lý vi phạm về giao thông
Ngày 25-5-2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 23).
Trong Chỉ thị 23, Ban Bí thư yêu cầu, siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông.
Chỉ thị 23 yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị 10, ngày 19-4-2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 10).
Trong Chỉ thị 10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chỉ thị 10 nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Kiểm tra nồng độ cồn tại ngã tư Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, phường 4, TP. Mỹ Tho. Ảnh: Hoàng Long |
Triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ, từ 30-8 đến 15- 10-202, các tổ Công tác đặc biệt của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an 58 tỉnh, thành phố phát hiện, xử lý 6.119 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 232 trường hợp là cán bộ, công chức. Những trường hợp này ngoài bị xử lý vi phạm hành chính, cơ quan Cảnh sát giao thông đã gửi thông tin vi phạm về các cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, từng địa phương đã có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch… Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe nhân dân, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.
Dư luận bày tỏ sự đồng tình trên đối với lực lượng Công an trong việc quyết liệt kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến nhân dân.
Kết quả đạt được trên cho thấy, khi cấp trên kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì cấp dưới sẽ thực hiện nghiêm, không dám bao che. Việc quyết liệt kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn lần này là “cú hích” quan trọng để tiến tới xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, theo nguyên tắc tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, cả lực lượng chức năng lẫn người tham gia giao thông.
M.T