Thứ Bảy, 07/10/2023, 14:29 (GMT+7)
.
Nhìn thẳng - Nói thật:

"Tiến sĩ gây mê", "thạc sĩ ru ngủ"

Đề cập đến vị thế của người thầy trong xã hội, đại thi hào Tagore (Ấn Độ) từng nói: “Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông, giáo dục một người đàn bà được một gia đình, giáo dục một người thầy được cả một xã hội”.

Ở Việt Nam, từ thế kỷ 18, nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn không những khẳng định “phi trí bất hưng” (nghĩa là đất nước mà không coi trọng trí thức, đề cao trí tuệ thì xã hội sẽ không hưng thịnh) mà ông còn chỉ ra một trong 5 nguy cơ có thể mất nước, trong đó có nguy cơ “trò không trọng thầy” (vì thầy không ra thầy).

Nhìn vào sức mạnh của một nền giáo dục, trước hết cần nhìn vào đội ngũ nhà giáo tinh hoa ở bậc đại học và sau đại học. Nói là tinh hoa vì đội ngũ này đa số có trình độ học vấn cao, giữ vai trò then chốt trong việc truyền bá, nâng tầm tri thức và làm giàu trí tuệ cho sinh viên, học viên-nguồn lực lao động chất lượng cao của đất nước.

Không thể phủ nhận sự lớn mạnh và những đóng góp của đội ngũ giảng viên đại học vào sự nghiệp đào tạo những năm qua, trong đó, thành công đáng kể là việc nâng tầm trình độ học vấn cho đội ngũ nhà giáo ở bậc học này. Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, cả nước có hơn 85.000 giảng viên đại học, trong đó 21.420 người có học vị tiến sĩ (chiếm 25,2%), 51.300 người có trình độ thạc sĩ (chiếm 60,35%).

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với khu vực và thế giới. Năm 2010, tỷ lệ giảng viên các trường đại học đạt trình độ tiến sĩ ở Malaysia và Ai Cập đã là hơn 70%, Sri Lanka năm 2015 là 55%; đấy là chưa dám so với các nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới.

"Thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ thì chúng ta dần sẽ chuẩn hóa kiến thức cho họ. Nhưng một giảng viên giỏi còn hơn những người gắn mác tiến sĩ, thạc sĩ hào nhoáng mà lại là “tiến sĩ gây mê”, “thạc sĩ ru ngủ” khi đứng trên bục giảng". Một chuyên gia giáo dục từng bày tỏ thái độ nghiêm khắc như vậy khi nhận định về chất lượng giảng dạy của một bộ phận giảng viên bậc đại học hiện nay.

a
Tranh minh họa: Báo Tuổi trẻ

“Tiến sĩ gây mê” không phải là tiến sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức, mà là người dạy sở hữu học vị tiến sĩ nhưng phương pháp giảng dạy thiếu sinh khí, thiếu hấp dẫn, thiếu thuyết phục khiến người học như bị lạc vào “cơn mê” rồi... ngủ gà ngủ gật trong lớp. Còn “thạc sĩ ru ngủ” cũng nhằm ám chỉ những giảng viên thiếu năng lực sư phạm, giảng bài tẻ nhạt, dài dòng, chẳng khác mấy cái kiểu... ru ngủ!

Tại sao vẫn còn một bộ phận giảng viên đại học là “tiến sĩ gây mê”, “thạc sĩ ru ngủ” sinh viên, học viên trên giảng đường? Sở dĩ tồn tại thực trạng này vì một số cơ sở đại học lựa chọn đầu vào học tiến sĩ, thạc sĩ còn dễ dãi, đào tạo quá “thông thoáng”. Mới đây, luận án tiến sĩ về phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức của một giảng viên trường đại học gây xôn xao dư luận, bị đánh giá không đạt, đã nói lên điều này. Trong khi đó, nhiều người theo nghề phấn trắng, bảng đen lại thiếu những tố chất cần thiết của một nhà sư phạm. Thực tế có những giảng viên sở hữu trình độ học vấn cao nhưng thiếu năng lực ngôn ngữ, thiếu khả năng sư phạm nên họ không thể chuyển tải được nội dung kiến thức một cách tốt nhất đến sinh viên, học viên.

Trên giảng đường đại học mà vẫn còn những “tiến sĩ gây mê”, “thạc sĩ ru ngủ” thì khó có thể hiện thực hóa được mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, xã hội. Vậy nên, ngay từ bây giờ, các học viện, trường đại học cần sớm có biện pháp sàng lọc, thay thế một bộ phận giảng viên “tiến sĩ gây mê”, “thạc sĩ ru ngủ” để nền giáo dục đại học nước nhà có cơ hội bứt phá, phát triển và nhiều sinh viên, học viên không phải cám cảnh, ám ảnh với những buổi học có những ông thầy, bà giáo hay “gây mê”, “ru ngủ” họ trên giảng đường!

Theo qdnd.vn

.
.
.