Thứ Hai, 13/11/2023, 13:35 (GMT+7)
.

Báo động về mức sinh thấp

Theo Bộ Y tế, 21 tỉnh, thành phố tại Việt Nam hiện nay đang có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ (trừ Bình Phước), khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Nhiều tỉnh, thành phố chỉ có mức sinh là 1,48 con/phụ nữ. Thậm chí tại TP Hồ Chí Minh, có thời điểm mức sinh giảm xuống còn 1,2 con/phụ nữ. Mà theo nghiên cứu, nếu để mức sinh giảm xuống dưới 1,3 con/phụ nữ thì rất khó hồi phục về mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: TTXVN
Chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: TTXVN

Đây là vấn đề đáng báo động. Bởi đối với bất cứ quốc gia nào thì con người luôn là vốn quý, là nguồn lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Mức sinh thấp, dân số suy giảm, già hóa dân số đang là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, trong đó tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006. Năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, là lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang duy trì mức sinh thay thế, tuy nhiên mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Các tỉnh, thành phố mức sinh thấp tại Việt Nam có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, là nguy cơ không nhỏ đến phát triển bền vững cho cả nước. Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở đô thị mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cho vùng có mức sinh thấp là tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đủ hai con, các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con. Bộ Y tế nêu mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến khích với nguồn lực đầu tư lớn. Thực tế này đòi hỏi các địa phương, đặc biệt là những địa phương có mức sinh thấp cần hết sức quan tâm, tập trung thực hiện tốt các giải pháp theo quyết định của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước hết là cần đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề kết hôn và sinh con. Phải thấy đây không chỉ là vấn đề của cá nhân mà là trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Cần phải lên án lối sống ích kỷ, không muốn kết hôn, không muốn sinh con đang tồn tại trong một bộ phận thanh niên. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con và sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Tại dự thảo Luật Dân số, đơn vị chuyên môn đã đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2 tại các tỉnh có mức sinh thấp; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ... Cần phải đề ra mục tiêu đạt và duy trì mức sinh thay thế tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, để từ đó có những giải pháp và biện pháp thực hiện.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

 

.
.
.