Thứ Bảy, 04/11/2023, 08:18 (GMT+7)
.

Trị thói hóng hớt

“Hóng hớt” dường như trở thành đam mê của một bộ phận thanh thiếu niên "vô công rồi nghề" thời nay. Vừa qua, dù đã khuya nhưng tại tuyến đường Chùa Bộc và đường Phạm Hùng (Hà Nội), bất chấp việc vi phạm giao thông, cả trăm người vẫn đứng tràn xuống đường, hào hứng vây quanh tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội để “hóng” lực lượng chức năng triển khai làm nhiệm vụ.

Không chỉ xem, họ còn livestream (phát trực tiếp), chụp ảnh xung quanh chốt tuần tra, kiểm tra... để rủ rê bạn bè đến tham gia cùng và thông báo cho những đối tượng vi phạm né tránh. Trong khi tổ công tác 141 phải căng mình làm nhiệm vụ thì với nhiều thanh thiếu niên, họ coi đó là trò vui. Khi thấy một “quái xế” lạng lách thoát chốt 141 hay có đối tượng chống đối, họ reo hò, cổ vũ và phát trực tiếp lên mạng xã hội.

Tại khu vực nút giao Ô Chợ Dừa - Xã Đàn, Hà Nội, sự huyên náo diễn ra xung quanh chốt kiểm soát của Cảnh sát 141. Ảnh: Báo Công an nhân dân
Tại khu vực nút giao Ô Chợ Dừa - Xã Đàn, Hà Nội, sự huyên náo diễn ra xung quanh chốt kiểm soát của Cảnh sát 141. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Những kiểu “hóng hớt” này là một trong vô số ví dụ về thói quen thích xen vào chuyện không phải của mình ở một bộ phận người Việt. Thay vì “thấy chuyện bất bình chẳng tha”, rất nhiều người thích xen vào chuyện người khác chỉ vì tò mò. Nếu như Trạng Quỳnh trong chuyện tiếu lâm xưa chỉ cần tung ra “chiêu”... lột đã dụ được hàng tá kẻ hóng hớt đến nộp tiền để xem, thì nay, trong thời đại 4.0, chỉ một vụ lột đồ đánh nhau ngoài đường, sẽ có đám đông hiếu kỳ nhanh chóng xúm lại xem và... tranh nhau quay clip.

Chỉ trong tích tắc, những hình ảnh đó đã tràn ngập mạng xã hội với lượng tương tác khủng, cổ xúy người thực hiện. Họ hiếu kỳ từ những việc nhỏ nhặt như xem đánh nhau, xem tai nạn, đám ma, đám cưới khủng... đến những việc lớn hơn như xen vào mối quan hệ cá nhân của người khác để gièm pha, đưa chuyện, dù chẳng có liên đới hay ghét bỏ, thù hằn gì. 

Tò mò là một đặc tính gắn liền với bản năng, tâm lý con người. Nó là động lực thúc đẩy chúng ta tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, khi tò mò bị đẩy lên quá mức, trở thành thói xấu, nó không còn là vô hại mà trở nên vô cùng tai hại, gây hệ lụy đến bản thân người hóng hớt, người bị hóng hớt và cả cộng đồng.

Thói quen bị hút vào những tranh cãi, những thông tin không tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội, khiến đời sống con người trở nên nghèo nàn, mất tập trung vào công việc, học tập, dẫn đến sự trì trệ trong phát triển. Ngoài ra, họ cũng có thể gặp phải những rủi ro về an ninh, sức khỏe khi tham gia vào những vụ việc không liên quan đến mình. Hóng chuyện rồi “thêm mắm thêm muối” còn xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác. Thực tế, từ thói quen hóng chuyện, tò mò, nhiều người đã bị lợi dụng, trở thành công cụ tuyên truyền, gây mâu thuẫn trong xã hội, phục vụ mục đích của kẻ xấu.

Người Việt từ trong văn hóa truyền thống hay có thói quen quan tâm, chia sẻ với người khác. Đó là một thói quen tốt. Tuy nhiên, do tâm lý tiểu nông, sống trong cộng đồng làng xã nên đôi khi một bộ phận người dân hay có lề thói la cà, tò mò, ngồi lê mách lẻo, thích hóng chuyện, soi mói người khác. 

Trong cuộc sống và ứng xử, rất cần phân biệt rạch ròi giữa việc quan tâm đến người khác một cách thật lòng với việc tò mò, tọc mạch "xen" vào chuyện/việc của người khác một cách vô duyên, thô thiển, vì đó thực chất là hành vi xâm hại quyền riêng tư. Để trị thói hóng chuyện, mỗi người cần đề cao lòng tự trọng, ứng xử tinh tế, nhã nhặn, văn minh, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

 

.
.
.