Thứ Ba, 12/12/2023, 20:53 (GMT+7)
.

Khan hiếm vaccine và bài toán trách nhiệm

Tình trạng khan hiếm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ở các địa phương đang trở thành vấn đề gây bức xúc. Nhiều loại vaccine như DPT, IPV (bại liệt tiêm), 5 trong 1, sởi, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản... đã hết nhưng vẫn chưa biết đến bao giờ mới có trở lại.

Vaccine là một trong những phát minh cách mạng, là thành tựu y học vĩ đại của nhân loại để ngăn chặn, chống lại nhiều dịch bệnh nguy hiểm chết người. Bởi thế, hậu quả của việc trẻ không được tiêm vaccine đầy đủ, đúng thời điểm chắc không cần phải nói thêm nhiều.

Việc thiếu vaccine thì trách nhiệm trước tiên thuộc về ngành y tế, điều này không phải bàn cãi. Ngay từ đầu năm 2023, nguy cơ thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã được cảnh báo, nhưng từ đó đến nay, việc đấu thầu, mua sắm vẫn chưa thực hiện được. Trách nhiệm của cán bộ cũng không quy được thuộc về ai một cách rõ ràng.

Tình trạng khan hiếm vaccine đang diễn ra ở các cơ sở y tế công. Ngược lại, vaccine dịch vụ ở các trung tâm, điểm tiêm chủng do tư nhân làm chủ thì không thiếu. Chỉ có điều, người dân muốn tiêm được cho trẻ ở đó thì phải tự trả tiền. Khảo sát của chúng tôi ở một số trung tâm tiêm vaccine dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, vaccine loại gì cũng có, trong đó đa số là của nước ngoài sản xuất. Đương nhiên, giá thành của từng loại vaccine thì không phải gia đình nào cũng chi trả được, trong khi, đây là chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ em được tiêm miễn phí nhiều loại theo quy định của Nhà nước.

Vaccine là một trong những phát minh cách mạng, là thành tựu y học vĩ đại của nhân loại. Ảnh minh họa: TTXVN
Vaccine là một trong những phát minh cách mạng, là thành tựu y học vĩ đại của nhân loại. Ảnh minh họa: TTXVN

Có hai nguyên nhân chính được chỉ ra của tình trạng hết vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là do khó khăn, vướng mắc trong thủ tục mua mới và trách nhiệm, thái độ xử lý công việc của từng người thực thi chưa hiệu quả.

Cùng với đó, cuộc “đại phẫu” xử lý sai phạm của cán bộ trong vấn đề đấu thầu mua sắm ở các lĩnh vực nói chung, ngành y nói riêng đến nay vẫn chưa tạo đủ những điều kiện pháp lý chuẩn giúp việc đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế và thuốc thuận tiện hơn. Vướng mắc này dẫn tới cán bộ sợ trách nhiệm và cũng chưa tích cực bắt tay để tháo gỡ thủ tục vướng mắc. Trong khi đó, các chuyên gia, nhà quản lý khẳng định, Nhà nước không thiếu tiền để bảo đảm cho việc mua vaccine.

Luật pháp là do chúng ta xây dựng lên. Những thủ tục để tuân thủ được pháp luật cũng là do chúng ta đặt ra. Do đó, phát hiện, chỉ ra những vướng mắc khi thực hiện thủ tục pháp luật đã lâu, đã rõ nhưng chúng ta chưa khẩn trương tháo gỡ triệt để, dẫn tới gây ra hệ lụy xã hội mà rõ nhất ở đây là tình trạng trẻ em không được tiêm chủng. Cũng không thể phủ nhận, hiệu quả, thái độ làm việc của những người có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn là chưa tốt.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

.
.
.