Nhớ về cầu Mỹ Thuận 23 năm trước
(ABO) Hôm nay, 24-12 cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền đã khánh thành, nhắc chúng ta nhớ về sự kiện khánh thành cầu Mỹ Thuận 23 năm về trước, được ví như ngày hội của người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ngày 21-5-2000 cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam với chiều dài hơn 1,5km rộng gần 24m cho 4 làn xe bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long được khánh thành.
Đây không chỉ là niềm vui mà còn là sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân ĐBSCL, người dân ùn ùn đổ về tham quan cầu như trẩy hội. Bởi thời điểm lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng việc xây cầu Mỹ Thuận để mở rộng cánh cửa vào miền Tây Nam Bộ cũng khó như... bắc cầu lên trời. Lý do là vào năm 1950 người Pháp cũng đã có ý định xây cầu nhưng lỡ hẹn; đến chính quyền Sài Gòn, giữa thập niên 1960, công ty Nippon Koei (Nhật Bản) đã hoàn thành thiết kế đồ án và được lựa chọn nhưng dự án cũng bị hủy do khó khăn về tài chính.
Khánh thành cầu Mỹ Thuận. Tác phẩm đạt Giải ảnh báo chí Quốc gia năm 2000 của nhà báo Duy Anh (Báo Ấp Bắc). |
Vì thế có thể khẳng định cầu Mỹ Thuận là cây cầu lịch sử của ĐBSCL với nhiều điểm đặc biệt lúc bấy giờ như thời gian thi công nhanh chỉ trong ba năm, kỹ thuật cầu dây văng mới nhất ở Việt Nam được áp dụng và bảo đảm an toàn. Và đặc biệt là sự quan tâm của người dân, hiếm có sự kiện nào mà người dân lại hân hoan tụ về đông như thế. Bởi đây là niềm khát khao của người dân miền Tây sông nước khi đã bao đời “qua sông phải lụy phà”.
Cầu Mỹ Thuận thật sự là cây cầu lịch sử có tính mở đường, kết nối, lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển của ĐBSCL trong thế kỷ 21.
23 năm sau sự kiện cầu Mỹ Thuận, bức tranh về giao thông, kinh tế của vùng châu thổ sông Cửu Long đã nhiều thay đổi. Vị thế, tiềm lực của vùng đã được nâng lên cùng những cây cầu dây văng tiếp tục được khánh thành, kết nối miền Tây sông nước với TP Hồ Chí Minh và cả nước. Có thể nhắc đến các cầu: Rạch Miễu, Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống và mới đây là cầu Đại Ngãi cũng đã khởi công
Và hôm nay 24-12, cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành, sừng sững vắt ngang sông Tiền, biến là những cây cầu trong mơ thành hiện thực, để cùng hiện thực hóa giấc mơ hóa Rồng, khát vọng vươn lên của vùng châu thổ sông Cửu Long.
Và cầu Mỹ Thuận 2 ngày khánh thành 24-12-2023. Ảnh Minh Thành |
23 năm, cùng đất nước, thế và lực của vùng ĐBSCL đã nâng tầm, trở thành khu vực mang tính chiến lược về an ninh lương thực cho cà nước, đồng thời khẳng định nhiều lợi thế, tiềm năng trong thu hút đầu tư, khi mà hạ tầng giao thông đã được Chính phủ đầu tư, cải thiện rõ nét.
Cụ thể, ngày 24-12 cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ cũng đã khánh thành cùng cầu Mỹ Thuận 2 và Chính phủ cho chủ trương đầu tư tiếp tuyến cao tốc về đến tận Mũi Cà Mau, rồi cao tốc theo trục ngang Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh- A Hữu, và tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu hiện Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) đã giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi.…cùng với Dự án tuyến đường ven biển miền Tây đã được phê duyệt trong mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021- 2030 với chiều dài đến 740km từ TP. Hồ Chí Minh dến Hà Tiên đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ. Ảnh: Minh Thành |
Theo Bộ GTVT khu vực ĐBSCL đã được hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014km đường cao tốc của cả nước, được phân bố đồng đều với ba trục dọc và ba trục ngang. Đến thời điểm này đã hoàn thành đưa vào khai thác 90km, hiện đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km. Như vậy, đến năm 2025, ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc. Tất cả sẽ mở ra cơ hội cho các tỉnh ĐBSCL trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Từ sự kiện khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, nhớ về “Ngày hội” của người dân ĐBSCL 23 năm trước, và cảm nhận sự đổi thay, phát triển của vùng đất này sau hơn 2 thập kỷ. Tất cả cho ta kỳ vọng rằng cầu Mỹ Thuận 2, cùng các dự án giao thông kết nối liên vùng đang được triển khai, sẽ là những “đường băng” cho vùng đất chín Rồng “cất cánh” bay lên.
LÊ LONG HỒ