Đến hẹn, lại thấy… lo!
Càng đến gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao. Vì thế, nhiều đối tượng luôn tìm mọi cách để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thực phẩm bẩn vào thị trường tiêu thụ. Do đó, đây cũng là thời điểm nỗi lo về vấn đề thực phẩm “bẩn” và tình trạng ngộ độc thực phẩm lại lớn hơn bao giờ hết.
Đội quản lý thị trường số 1, Cục quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn và một số đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra thực tế tại 1 kho hàng đông lạnh tỉnh Bắc Kạn phát hiện gần 1,5 tấn thực phẩm đã hết thời hạn sử dụng, biến màu, ôi thiu, bốc mùi hôi thối. |
Nhiều năm qua, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn… nhưng số vụ vi phạm vẫn không giảm, liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ liên quan đến an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng có cơ sở để lo lắng khi trong năm 2023, cơ quan chức năng đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm, tăng 16% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ; hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Có thể thấy, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tuồn vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ. Từ các tỉnh giáp biên giới, hàng lậu được đưa vào tiêu thụ sâu trong nội địa nếu không được ngăn chặn kịp thời. Điều đáng nói, tình trạng này tái diễn hằng năm, song đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết, nó nằm ngay trong sự tham lam và mờ mắt vì lợi nhuận của kẻ buôn người bán. Điều này khiến con người tự làm hại lẫn nhau, coi thường sức khỏe của cộng đồng mà sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi như cất giấu hàng khi có mặt cơ quan chức năng, lưu trữ hàng hóa cùng nơi ở tại các khu chung cư cao cấp được kiểm soát chặt chẽ việc ra vào.
Cùng với đó, do một bộ phận người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của mình và gia đình, chỉ chú ý đến những thực phẩm bắt mắt, có giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, sẵn sàng đăng quảng cáo bán hàng mà không yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung... Việc quản lí còn chưa nghiêm, các hình thức xử phạt còn quá nhẹ…
Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngày 8/12/2023, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với mục tiêu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kém chất lượng. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến các quy định, kiến thức về phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, việc quảng cáo làm sai lệch bản sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, kịp thời cảnh báo nguy cơ không bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Nhưng dù các cơ quan, đơn vị liên quan đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết, nhưng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn và lực lượng thanh tra cũng còn mỏng nên ngoài "chiến dịch" tổng kiểm tra trên diện rộng, lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác hậu kiểm, xử phạt vi phạm. Trong quá trình đó điều quan trọng là cần huy động sự tham gia của chính quyền cơ sở và người dân nhằm phát hiện những cơ sở kinh doanh thực phẩm "bẩn", sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, nếu chỉ mở những đợt cao điểm hoặc tập trung vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm hay nhưng đợt cao điểm như dịp Tết… thì chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế tình trạng kinh doanh, buôn bán và vận chuyển thực phẩm "bẩn". Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng này. Muốn thế cần có giải pháp phối hợp giữa các ngành liên quan, mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn hàng nhập lậu. Và khi phát hiện những vi phạm về thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc thì các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Thậm chí, xử lý hình sự một cách nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, chính là những người buôn bán, sản xuất cần phải có lương tâm, trách nhiệm với những sản phẩm mình bán ra. Đây là điều quan trọng nhất, bởi người tiêu dùng không thể tinh tường, phân biệt tất cả các loại nhãn hàng, mà cần đến lương tri trong chính những người bán.
Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.
Và mỗi người dân nên trở thành một người tiêu dùng “thông thái” bằng cách phải tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như tiêu dùng. Đặc biệt khi mua và sử dụng thực phẩm phải lựa chọn những thương hiệu đã biết trước, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước. Đồng thời nên tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua tiếp cận các nguồn tin để có năng lực miễn dịch với các chiêu thức kinh doanh mới lạ, khác biệt mới xuất hiện. Và không nên ham rẻ mà mua phải những thực phẩm “bẩn”, thực phẩm kém chất lượng...
Vấn đề thực phẩm bẩn thực sự là một vấn đề nan giải nên việc đẩy lùi không thể chỉ trong một sớm, một chiều, cũng không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng hay một ban ngành, đoàn thể, cá nhân nào. Để giải quyết nó, cần phải có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng thì vấn nạn này mới có thể đầy lùi. Hãy cùng nhau chung tay, góp sức vì sức khỏe của cộng đồng và của chính mình.
“Có sức khỏe là có tất cả” - Hãy đảm bảo tính mạng chính mình từ những việc nhỏ nhất. Hãy góp phần nhỏ của mình vào xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh, hướng đến niềm vui trọn vẹn trong những bữa cơm hằng ngày, tiến đến bữa cơm ngày Tết không còn nỗi lo thực phẩm “bẩn”.
Để không còn, cứ đến hẹn, lại thấy... lo!
(Theo dangcongsan.vn)