"Quét sạch chủ nghĩa cá nhân" trong công tác cán bộ
Trong bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”…
Ảnh minh họa: TRẦN HẢI |
Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý: “chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh nguy hiểm khác”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra các loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh.
Đáng tiếc là thời gian gần đây, trong các vụ xử lý kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ các cấp, nguyên nhân chính làm suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên đều bắt nguồn từ căn bệnh cá nhân chủ nghĩa. Do mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng mình trước hết, không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình” nên đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng, làm xấu hình ảnh người lãnh đạo và tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ. Trong công tác cán bộ, “chủ nghĩa cá nhân” sẽ làm nảy sinh những tiêu cực nghiêm trọng trong đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Những cán bộ có sai phạm đã bị xử lý kỷ luật khi “bổ nhiệm thần tốc” cán bộ hay ưu ái trong “bố trí người nhà, người thân” chính là những người đã sa vào “chủ nghĩa cá nhân”.
Để thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW, Quy định số 55-QĐ/TW và Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương Đội ngũ cán bộ, đảng viên thấy rõ những biểu hiện và tính chất nguy hại của chủ nghĩa cá nhân đối với quá trình tu dưỡng, rèn luyện và công tác xây dựng Đảng, từ đó tăng cường tự học tập, nghiên cứu nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, đạo đức cách mạng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện của tổ chức với tự giáo dục, rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng có giải pháp động viên cán bộ, đảng viên tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hằng ngày, từ đó giữ vững bản lĩnh chính trị, mục tiêu lý tưởng cách mạng, không “sa vào chủ nghĩa nghĩa cá nhân”.
Năm 2024 là năm bản lề kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp là công tác nhân sự. Để công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp thực sự công tâm, khách quan, đúng người, đúng vị trí thì một trong những yêu cầu đầu tiên là phải phát huy dân chủ thực sự, tránh xa chủ nghĩa cá nhân trong việc lựa chọn nhân sự.
Từng cấp ủy, tổ chức đảng cần bảo đảm giữ vững nguyên tắc, quy định, quy chế của Đảng; có cách làm thật sự công tâm, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá, lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy các cấp.
Cần lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, hiệu quả công việc, uy tín trong đảng bộ và trong nhân dân làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Phải kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...
Cần thận trọng, kỹ lưỡng trong thực hiện từng khâu, từng bước của quy trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp. Phải làm sao để phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự; đồng thời cũng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự.
Nguyễn Hồng Hạnh, Cục Ngoại tuyến, Bộ Công an
Công tác kiểm tra góp phần củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức
Trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu chỉ đạo ngành kiểm tra Đảng, các cơ quan nội chính, người đứng đầu Đảng ta đã nhắc lại tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ được năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Người cũng chỉ rõ: Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra; công tác kiểm tra góp phần củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức.
Vận dụng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp của tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhất là sớm cụ thể hóa chương trình hành động của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp với trọng tâm và đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Công tác giám sát được mở rộng phạm vi, nội dung, trong đó tập trung vào giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm; việc kê khai tài sản, thu nhập; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương, giữ gìn phẩm chất, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc giám sát đã gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; qua đó góp phần cảnh báo, phòng ngừa vi phạm, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua giám sát, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã phát hiện 7 tổ chức đảng và 93 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; ủy ban kiểm tra các cấp đề nghị, chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 4 tổ chức đảng và 45 đảng viên.
Thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư: kiểm tra phải trọng tâm, trọng điểm, giám sát phải mở rộng, cấp ủy cùng ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Nửa nhiệm kỳ qua, các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và chi bộ đã kiểm tra 556 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 29 cấp ủy viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 70 tổ chức đảng, 2.143 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra đã kết luận rõ những vi phạm các nội dung chủ yếu về thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương, phẩm chất đạo đức, lối sống,… Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng, 2.607 đảng viên vi phạm. Việc thi hành kỷ luật của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp được thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục; cơ bản khắc phục được tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, nể nang, né tránh, ngại va chạm, bao che sai phạm ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra còn hạn chế. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đi vào những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh vi phạm, dư luận xã hội quan tâm. Một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra chưa chủ động phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, còn trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên. Việc nắm tình hình, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm vẫn là khâu yếu...
Tiếp tục vận dụng giá trị các quan điểm chỉ đạo nêu trong cuốn sách của Tổng Bí thư vào thực tiễn công tác, thời gian tới, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp ở Thanh Hóa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo chuyển biến tích cực hơn về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, trước hết là trong cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Thực hiện đồng bộ 2 nhóm giải pháp phòng và chống; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng ưu điểm, kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Đỗ Thị Toán - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa
Theo Báo điện tử Nhân Dân