Thứ Năm, 25/04/2024, 10:08 (GMT+7)
.

Lựa chọn nào cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Nắng nóng gay gắt và kéo dài (chưa có dấu hiệu giảm và dừng) trong nhiều tháng qua càng đặt ra sự thúc bách phải ESG hóa (tức Environmental, Social and Governance - Môi trường, Xã hội và Quản trị) một cách mạnh mẽ, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực năng lượng sạch để vừa tạo đủ nguồn cung điện vừa không hủy hoại thêm môi trường.

a
Nghiên cứu sản xuất vi mạch tại Khu Công nghệ cao TPHCM (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Và đó cũng là biện pháp cụ thể hóa quy trình lẫn quá trình công nghiệp chuyển đổi (Industrial Transformation - IX) ở nước ta nói chung, TPHCM nói riêng. Nếu từ năm 2018 đến thời điểm khởi phát đại dịch Covid-19, ban đầu khái niệm IX chủ yếu là sự chuyển đổi trong các ngành công nghiệp 4.0, công nghiệp - nhà máy thông minh, hay giao thoa giữa tự động hóa và chuyển đổi số trong các nhà máy (smart factory).

Chỉ đến khi trong/sau đại dịch Covid-19 cho đến nay, IX đã thật sự gắn với xu thế ESG, hoàn toàn không phải hay không chỉ giới hạn ở việc nâng cấp các ngành công nghiệp mà còn là thang giá trị nhằm đánh giá và đảm bảo cân bằng các tác động về mặt môi trường, xã hội, tuân thủ luật pháp, bảo vệ quyền lao động của các ngành công nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đứng trước 2 hướng “tranh luận” chính. Thứ nhất là cần nâng cấp các ngành công nghiệp hiện hữu cũng như thu hút và hình thành những ngành công nghiệp mới. Thứ hai là nâng cấp yếu tố ESG trong các ngành công nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa qua các thị trường EU, Mỹ; đẩy mạnh phúc lợi doanh nghiệp như một yếu tố thúc đẩy phát triển bền vững.

Cần nhớ diễn biến này không hề mới lạ khi khoảng 4-5 năm trước, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đều ở trạng thái nói trên. Các cuộc tranh luận đã nổ ra để xác định mang giá trị lớn trong thế kỷ kế tiếp bao gồm: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, vi mạch bán dẫn, blockchain, công nghệ y sinh… Điểm quan trọng là xác định vai trò của nhà nước kiến tạo các khung phát triển để thúc đẩy giới doanh nghiệp, xã hội và nguồn lực quốc tế tham gia vào sự chuyển đổi này.

TPHCM đã chủ động và kiên trì theo đuổi từ Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” và chuẩn bị cho diễn đàn mùa thu này, năm nay lại tiếp tục trong chuỗi “xanh” với chủ đề “Thúc đẩy phát triển hợp tác công nghiệp chuyển đổi, động lực mới cho tăng trưởng của TPHCM gắn với trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0”.

Thực tế, ở cuộc tranh luận thứ nhất, TPHCM có 2 xu hướng lựa chọn chính. Đó là tái định vị chiến lược công nghiệp và không gian phát triển công nghiệp. Điều này đã và đang được gắn sát trong 2 dự thảo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển TPHCM và Quy hoạch kinh tế - xã hội thành phố; trong bước đi chuyển đổi 5 khu công nghiệp - khu chế xuất của thành phố và các đề án định hướng chính sách công nghiệp.

Bên cạnh đó là thu hút và xây dựng các ngành công nghiệp mới như công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ số, công nghệ y sinh, năng lượng tái tạo, đường sắt đô thị… Đặc biệt, đẩy mạnh thí điểm thông qua các quy định mới - mở trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để đề xuất, xây dựng, triển khai từng công trình, chương trình vừa gắn với nhu cầu cấp thiết của thực tiễn vừa mạnh dạn, nhạy bén đón đầu nguồn “dư địa” tất yếu cho tương lai. Thiết lập mạng lưới logistics trong hệ thống hạ tầng đô thị - vùng, Trung tâm dữ liệu, Trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu công nghệ cao 2, Công viên phần mềm Quang Trung 2, Đề án về Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM… Đó chính là “cốt nền” mà cũng là “mặt tiền” cho quá trình lẫn kết quả chuyển đổi.

Và phần còn lại của thế giới với sứ mệnh tồn sinh có - còn hay không ở tương lai thuộc về cuộc tranh luận thứ 2, tức cần phải gắn các nội dung vào khung chính sách xanh, tiêu chí xanh trong xu thế ESG hóa hệ sinh thái doanh nghiệp. Điều này, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã và đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi tín chỉ carbon và thúc đẩy quan hệ lao động bền vững thông qua chương trình nhà ở xã hội, đảm bảo bao phủ mạng lưới y tế - giáo dục, các thiết chế văn hóa và tính hội nhập cho người nhập cư trong lẫn ngoài nước.

Khi mà áp lực số, áp lực xanh đang gia tăng ở cả phạm vi toàn cầu lẫn nội địa thì bệ đỡ nhà nước là một trợ lực quan trọng cho vai trò chính yếu, tự giác của cộng đồng doanh nghiệp. Trước mắt, ở phạm vi thành phố, cần thiết đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) sớm triển khai cuộc khảo sát để xác định những doanh nghiệp nào, trong những ngành công nghiệp nào đang dẫn đầu xu thế ESG tại thành phố để lập thành 1 bộ dữ liệu ban đầu cho các thảo luận, trình bày tại HEF và cả tại Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của thành phố - với bộ tiêu chí chủ đạo ESG nhằm thúc đẩy cuộc chuyển đổi công nghiệp.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.