.

Giữ sức sống đặc trưng văn hóa sông nước

Cập nhật: 09:27, 28/05/2024 (GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị để khai mạc chương trình lễ hội sông nước lần thứ hai vào ngày 31-5 tới. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch quy mô lớn, phản ánh dấu ấn văn hóa đặc sắc, đặc trưng đô thị sông nước TP Hồ Chí Minh từ lịch sử, truyền thống đến hiện tại.

Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh năm 2023.  Ảnh: thanhnien.vn
Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh: thanhnien.vn

Chương trình được chuẩn bị công phu, quy tụ hàng nghìn diễn viên, đạo diễn, nhà quản lý, nhà khoa học tham gia; sử dụng nhiều công nghệ âm thanh, ánh sáng mới, khẳng định bước đột phá về công nghiệp văn hóa giai đoạn mới; bằng các loại hình văn hóa nghệ thuật, thể thao như tái hiện không gian “trên bến dưới thuyền”, chương trình nghệ thuật dòng sông kể chuyện chủ đề chuyến tàu huyền thoại, hoạt động thể thao dưới nước như: Đua thuyền rồng, lướt ván; thi ẩm thực, trò chơi dân gian...

Văn hóa là nền tảng tinh thần, là nguồn lực, động lực nội sinh để phát triển đất nước. Quan điểm này được Đảng, Nhà nước ta thể hiện cụ thể trong nhiều nghị quyết, chiến lược, chính sách phát triển văn hóa. Tuy nhiên, ở không ít địa phương, dù có đầu tư nhiều nguồn lực để giữ gìn, tôn vinh, quảng bá đặc trưng, bản sắc văn hóa nhưng vẫn có những tồn tại, hạn chế như xây dựng các thiết chế văn hóa không phù hợp, nặng tính phong trào, chưa thể hiện sự sinh động, cuốn hút, chiều sâu của đặc trưng văn hóa địa phương mình. Không ít chương trình, công trình văn hóa sau khi được xây dựng, tổ chức vẫn thiếu sức sống, không mang lại cảm xúc, tình cảm gắn bó đối với công chúng.

Để lan tỏa, giữ sức sống lâu bền bản sắc, đặc trưng văn hóa, cần có sự đổi mới, cách làm hay, sáng tạo trong việc quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa. Chính quyền địa phương cần xác định phát triển văn hóa không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, giữ gìn, lan tỏa mà đó còn là một lĩnh vực kinh tế trên cơ sở phát triển công nghiệp văn hóa. Bởi vì, muốn xây dựng một chương trình, lễ hội, hoạt động văn hóa chất lượng, đặc sắc, hấp dẫn, cuốn hút rất cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban, ngành, đơn vị, sự đầu tư nguồn lực về thiết chế, công nghệ mới, hiện đại, con người, chuyên gia, phương thức thu hút công chúng, tạo giá trị kinh tế từ hoạt động văn hóa...

Sự thành công, sức hấp dẫn của Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh là do được quan tâm, đầu tư có chiều sâu, công phu, huy động nhiều nguồn lực, sức sáng tạo, đồng bộ, tạo được thương hiệu, giá trị, được giới chuyên môn đánh giá cao, tạo sức hút đối với công chúng qua kết quả của tổ chức lễ hội lần thứ nhất năm 2023.

Nhờ công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa đã giúp đặc trưng văn hóa đô thị sông nước tỏa sáng, lan tỏa, đánh thức niềm tự hào về lịch sử, truyền thống, biến những giá trị văn hóa truyền thống trở thành động lực phát triển. Thành phố tạo được môi trường, sân chơi văn hóa mà ở đó, công chúng là trung tâm tương tác, là đối tượng hưởng thụ, thẩm thấu, được hòa mình vào không gian văn hóa đậm chất đô thị sông nước để thấy niềm tự hào, mến yêu; qua đó giúp sức sống lâu bền của đặc trưng văn hóa, lịch sử đô thị sông nước.

(Theo www.qdnd.vn)

.
.
.