Khơi lên bếp lửa
Những ngày trầm buồn của bóng đá Việt Nam lại nối tiếp sau thất bại của hai lứa trẻ U.16 và U.19 tại đấu trường khu vực. Nhưng chỉ trong tháng 9 và tháng 10 tới, hai đội bóng này sẽ lại bước vào những giải đấu quan trọng nhất của lứa tuổi họ. Cùng nhìn lại và cùng hướng về phía trước.
Tuy nhiên, giá trị quan trọng của một giải đấu trẻ không chỉ là những chiến thắng và điểm số cao mà còn nằm ở trình độ cầu thủ và khả năng tổ chức. Về những điều này thì rõ ràng là đội trẻ của chúng ta cũng có rất nhiều vấn đề xuất phát từ công tác đào tạo trẻ. Nhiều vấn đề cần nhìn rõ nhưng không có nghĩa là vì thất vọng, buồn bực mà phủi sạch, mà không thấy những hy vọng.
U19 Việt Nam trong trận đấu với U19 Australia. Ảnh: VFF |
Ngay trong thời điểm các lứa trẻ của chúng ta liên tiếp giành được những thành tích mơ ước cùng huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo thì công tác đào tạo trẻ đã được mở rộng, nâng cao với mức độ chưa từng thấy. Các lò, các mô hình đào tạo khá đa dạng và được xem là theo hướng hiện đại đã mở thêm ở nhiều nơi. Vậy nhưng do sự hạn chế về tố chất, năng khiếu hay con mắt nhìn người và năng lực của các HLV mà các lứa kế tiếp nhau ra lò không cho thấy đạt chất lượng cao, không tạo ra được những tài năng đặc biệt. Có nhiều ý kiến trách cứ các câu lạc bộ vì chạy theo thành tích trước mắt mà không tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ vào sân.
Có điều đó thật, song hãy cùng nhìn lại nhiều trường hợp mạnh dạn sử dụng. Những Quốc Việt, Đức Việt, Mạnh Dũng, Danh Trung, Văn Khang, Tuấn Tài, Văn Cường, Minh Trọng... từng ghi dấu ấn trong các giải trẻ, thậm chí từng cùng U.22, U.23 đoạt huy chương vàng SEA Games song dù đã thường xuyên được đá cho các câu lạc bộ đến nay vẫn chưa thể trở thành trụ cột. Và đây cũng là lý do mà số cựu binh thời đỉnh cao cùng HLV Park Hang-seo vẫn đóng vai trò chính ở đội tuyển quốc gia.
“Nhân tài như lá mùa thu”, trong bóng đá trình độ cao ở đâu cũng thế. Chu kỳ của tài năng đặc biệt khắc nghiệt lắm. Bởi vậy mà HLV Calisto đã ra đi sau khi một thế hệ cầu thủ cùng ông đoạt ngôi vô địch AFF Cup 2008 bộc lộ những phát triển không thể vượt qua. Cũng vì đã đưa một thế hệ vàng lên đến đỉnh cao nhất có thể mà HLV Park Hang-seo muốn nhường lại ghế của mình với hy vọng để chiến lược gia khác có thể làm mới đội tuyển.
Lật đi lật lại như vậy để thấy đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cầu thủ trẻ là việc lớn, việc khó; khó nhất là tìm ra phương pháp, tìm ra những HLV, những người thầy thực sự giỏi giang, tâm huyết và kinh nghiệm; trong đó có cả những đề xuất dùng HLV ngoại để nâng chất lượng. Phải chăng sau một chặng dài đã đến lúc cần tổ chức tổng kết, nghiên cứu kỹ để đổi mới toàn diện và đồng bộ công tác này.
Trở lại với các lứa trẻ hiện thời, mới bước ra sân chơi quốc tế, họ bộc lộ nhiều hạn chế, lúng túng, sai sót không có gì là lạ. Sau thất bại đầu đời, từ không khí trầm buồn, lạnh lẽo rất cần và rất có thể chung tay khơi dậy bếp lửa của khát vọng. Không thể phủ nhận trong số trẻ hiện nay đã lấp ló những nhân tố triển vọng. Tốc độ, sự khéo léo, ý thức chiến thuật của những Công Phương, Lê Đình Long Vũ... là những phẩm chất cơ bản đáng quý. Một Quang Dũng 3 trận ghi 3 bàn từ cú sút xa thực sự là của hiếm.
Câu chuyện đáng mong đợi bây giờ là HLV mới của U.17 Việt Nam Cristiano Roland sẽ gắn kết, phát triển lứa này ra sao sau khi thay thế HLV Trần Minh Chiến. Với U.19 Việt Nam, sau khi nhập cuộc với thời gian khá ngắn, HLV Hứa Hiền Vinh đã nắm được chỗ yếu-chỗ mạnh của từng cầu thủ cũng như rút ra được bài học cần thiết cho chính mình và ban huấn luyện. Đội bóng trẻ trong tay ông sẽ có thay đổi nhân sự, sẽ có những đợt tập luyện thi đấu giao hữu để nâng chất lượng.
(Theo www.qdnd.vn)