.

Nhìn thẳng - Nói thật: "Kính thưa"... vừa thôi!

Cập nhật: 09:34, 30/08/2024 (GMT+7)

Vị chủ tịch của một tỉnh phía Nam đã yêu cầu như vậy khi ông liên tục được “kính thưa” tại một hội nghị do ông chủ trì. Mặc dù đã nhắc các đại biểu nói ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm nhưng nhiều đại biểu khi thảo luận vẫn liên tục... “kính thưa”! Kết thúc hội nghị, ông nói thêm: "Lần sau tham dự hội nghị, khi phát biểu, các đồng chí không cần thiết phải “kính thưa” nhiều như vậy.

“Kính thưa”... vừa thôi! Chống bệnh hình thức, cải cách thủ tục hành chính phải bắt đầu từ văn hóa hội nghị. Ta phải mạnh dạn từ bỏ những thói quen kiểu này. Chỉ cần “kính thưa” chung một lần là đủ!".

Lại nhớ, trong một sự kiện ở tỉnh Bình Phước mới đây, trước giờ khai mạc, vị đại biểu cấp trên có chức vụ cao nhất tại sự kiện đã yêu cầu Ban tổ chức chỉ giới thiệu chung một lần. Thế là người dẫn chương trình, thay vì phải đọc bảng danh sách đại biểu dài dằng dặc, chỉ nói một câu ngắn gọn: “Kính thưa quý vị đại biểu”! Sự kiện, vì thế, diễn ra trong bầu không khí ấm áp, chan hòa, không còn khoảng cách giữa cán bộ, đại biểu và người dân.
 

a
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Đơn giản hóa thủ tục giới thiệu là điều ai cũng mong muốn, nhất là đối với đơn vị tổ chức sự kiện, hội nghị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa “lời chào cao hơn mâm cỗ” nên không ai, không đơn vị nào dám cắt bỏ phần “kính thưa”. Sự kiện càng lớn, khách mời càng nhiều thì phần “kính thưa” càng nặng nề. Mà “kính thưa” càng nhiều thì càng dễ thiếu sót. Thế nên mới có tình trạng một số đại biểu, do không được nêu tên trong phần “kính thưa”, đã tự ái bỏ về.

Nhìn ra các nước tiên tiến, chúng ta đều thấy thủ tục “kính thưa” của họ vô cùng đơn giản, gọn nhẹ. Chúng ta đang hội nhập quốc tế. Tiếp thu những nét văn hóa, văn minh của họ để vận dụng phù hợp vào điều kiện của mình là vô cùng cần thiết.

Nhưng, để thay đổi một thói quen văn hóa là rất khó. Cấp nào, đơn vị, địa phương nào tổ chức sự kiện cũng mong được “kính thưa” vừa thôi. Nhưng quyết định chuyện đó lại thuộc quyền của cấp trên. Làm không khéo, coi chừng lại bị phê bình tội “thất lễ”. Vậy nên, để làm được, đòi hỏi phải “tiền hô hậu ủng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”... Khi có những cán bộ có tư duy, hành động như hai câu chuyện vừa nêu, chắc chắn văn hóa hội nghị sẽ có bước đổi mới mạnh mẽ.

Theo Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành địa phương, việc giới thiệu đại biểu đến dự lễ cần bảo đảm trang trọng, ngắn gọn, đúng thành phần. Theo đó, chỉ giới thiệu đích danh đại biểu cấp trên cao nhất đến tham dự sự kiện và giới thiệu đích danh chức danh cao nhất (đương nhiệm) của người đứng đầu đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện; còn lại giới thiệu đại diện tên cơ quan, đơn vị hoặc nhóm chức danh được mời.

Mong là sẽ có nhiều người đứng đầu phát huy vai trò nêu gương, để đơn vị, địa phương cấp dưới được “kính thưa”... vừa đủ. Nơi này làm, nơi kia học tập, lan tỏa thành nét đẹp văn hóa thì việc "thủ tục" không còn là nỗi lo của ban tổ chức các sự kiện. Đó cũng là cách để giảm thiểu chuyện “cờ, đèn, kèn, trống” khoa trương, hình thức, rườm rà không cần thiết, thậm chí gây khó chịu cho số đông. Đó còn là cách để cán bộ gần dân. Bởi suy cho cùng, tổ chức các sự kiện, các hội nghị cũng là để phục vụ dân!

Theo qdnd.vn

.
.
.