Thế nhưng, vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” sẵn sàng sửa biên lai, khai khống số tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt để đánh bóng tên tuổi; ăn chặn tiền ủng hộ của tập thể; lợi dụng danh nghĩa “từ thiện” để truyền thông quảng bá cho thương hiệu mình… Những hành động phản cảm này đã khiến dư luận không khỏi bức xúc và cùng là một dấu chấm hỏi lớn về chuẩn mực văn hoá, đạo đức và lương tâm của con người.

Những tấm lòng trân quý của các cháu học sinh ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.
Những tấm lòng trân quý của các cháu học sinh ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.

Sau khi Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố sao kê số tiền ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão lụt, hàng loạt những nhân vật nổi tiếng, tiktoker có ảnh hưởng lớn tới giới trẻ đã đăng đàn xin lỗi vì chỉnh sửa biên lai, khai khống số tiền ủng hộ lên gấp 10 lần thậm chí cả trăm lần với mục đích khoe mẽ, đánh bóng hình ảnh, tên tuổi.

Không chỉ nói đến việc các cá nhân này đã vi phạm pháp luật khi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật mà nó còn là mầm mống gieo rắc hành vi gian dối, tính cách lọc lừa vào giới trẻ. Báo động hơn khi “fan hâm mộ” của các tiktoker, người nổi tiếng này có rất nhiều trẻ em dưới 16 tuổi.

Làm giàu bất chấp

Dẫu biết rằng khi thiên tai ập đến gây nhiều thiệt hại thì việc phát triển kinh tế càng cần được duy trì, phục hồi và phát triển. Nhưng phát triển bằng cách lợi dụng trên chính những nỗi đau, mất mát của thiên tai gây ra cho đồng bào mình lại là điều đáng lên án.

Điển hình như một thương hiệu cà phê lên tiếng sẽ trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước bán ra để cho vào quỹ ủng hộ người dân vùng lũ, đã nhận phản hồi gay gắt từ cộng đồng mạng. Dư luận cho rằng không nên nhân danh việc thiện và dựa vào nỗi đau, mất mát của đồng bào để làm truyền thông, bán hàng. Nhiều ý kiến cho rằng “ nên chuyển thẳng 70.000 đồng vào quỹ để ủng hộ đồng bào vùng lũ thay vì đi mua 1 ly nước 70.000 đồng để trích ra 1.000 đồng làm từ thiện”.

Công ty trên cũng đã lên tiếng xin lỗi và giải thích do cách truyền thông chưa rõ ràng đã dẫn đến hiểu lầm từ phía khách hàng.

Giữ trọn truyền thống “lá lành đùm lá rách”

Xét ở góc độ pháp lý, theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, hành vi làm giả biên lai chuyển tiền và công khai trên mạng xã hội nhưng chưa gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thì người đưa thông tin sai sự thật trên sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5 đến 10 triệu đồng với cá nhân.

Không màu mè, các chuyến xe cứu trợ thẳng tiến tới đồng bào vùng lũ.
Không màu mè, các chuyến xe cứu trợ thẳng tiến tới đồng bào vùng lũ.

Xét về góc độ đạo đức và lương tâm việc từ thiện là chia sẻ, là thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Đó không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất mà còn truyền đi tình yêu thương, niềm tin và hy vọng đến với cộng đồng chứ không phải chỉ để chứng tỏ điều gì.

Bên cạnh những sự gian dối làm xấu đi 2 chữ “từ thiện” thì vẫn còn rất nhiều người chung tay góp sức, góp công, góp của theo sức của mình. Hay các cháu nhỏ đang còn đi học cũng “xin lỗi” vì chỉ có 10.000 đồng, 20.000 đồng để ủng hộ đồng bào nhưng không ai trách móc mà chỉ cảm thấy thật đáng yêu.

Nếu đã có tâm làm từ thiện giúp đỡ cộng đồng xin hãy giữ trọn nét đẹp truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta, đừng vì bất kỳ một lý do, mục đích cá nhân nào mà biến tướng nét truyền thống cao đẹp này.

(Theo dangcongsan.vn)