Thứ Sáu, 11/10/2024, 09:50 (GMT+7)
.

Chỗ đứng trái cây Việt

Thương hiệu không chỉ là câu chuyện về chất lượng sản phẩm mà còn liên quan đến việc xây dựng hình ảnh mạnh mẽ, đáng tin cậy, được minh bạch từ hạt giống, địa điểm canh tác, quy trình chăm sóc và thu hoạch, đến dây chuyền chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển… giúp sản phẩm của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng quốc tế.

Giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 đạt 5,6 tỷ USD, bằng cả năm 2023 và dự báo có thể cán mốc 6,5-7 tỷ USD vào cuối năm nay. Mặt hàng trái cây đang ngày càng chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong nhóm sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu, nếu tận dụng tốt thời cơ sẽ tạo ra những lợi thế lâu dài trong hệ sinh thái kinh tế xuất khẩu của quốc gia.

“Kỳ tích” xuất khẩu trái cây đến từ việc chủ động, nhanh chóng mở rộng thị trường. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông sản Việt Nam, nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 5% thị phần nhập khẩu nông sản của nước này. Vừa qua, các mặt hàng như sầu riêng, dừa tươi và các loại trái cây khác vào thị trường Trung Quốc là một tín hiệu tích cực, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu.

Hay như chanh leo được xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ đã mở ra nhiều cơ hội; tuy nhiên, Mỹ chưa phải là đích đến duy nhất. Thị trường châu Âu, với các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm, đang dần hướng sự quan tâm đến các loại trái cây nhiệt đới.

Đây là những thị trường mà Việt Nam cần chú trọng khai thác trong thời gian tới, không chỉ để tăng cường kim ngạch xuất khẩu mà còn để giảm thiểu sự phụ thuộc vào một vài thị trường lớn.

Để mở rộng và giữ vững thị trường, đầu tư vào công nghệ chế biến và bảo quản là yếu tố bắt buộc. Thị trường quốc tế không chỉ cần sản phẩm tươi ngon mà còn đề cao yếu tố bền vững trong quy trình sản xuất.

Áp dụng công nghệ mới vào quá trình chế biến, như sầu riêng đông lạnh, đã cho thấy những bước đi đúng đắn trong việc tiếp cận các thị trường lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần mở rộng quy mô và áp dụng công nghệ vào nhiều loại trái cây khác nhau, từ đó không chỉ giảm áp lực về mùa vụ mà còn tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho sản phẩm.

Việt Nam hiện xuất khẩu trái cây tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các thị trường chính gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần đặt bài toán tăng cường chất cùng với gia tăng lượng. Các lô hàng đã qua chế biến và đóng gói bao bì đẹp luôn có giá cao khi vào các thị trường khó tính như EU và Australia.

Chẳng hạn, dừa khô nếu bán thô chỉ được khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng chế biến thành thạch dừa, giá có thể tăng lên tới 25.000 đồng/kg. Tại thị trường Australia, thanh long nội địa chỉ bán được khoảng 5,74-9,33 AUD/kg (tương đương 3,82-6,20 USD/kg); nhưng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam được bán với giá khoảng 12 AUD/kg (tương đương 200.000 đồng/kg) nhờ chất lượng ngon hơn, được cải thiện về bao bì đẹp và thương hiệu.

Để thực hiện được yêu cầu này, trước hết, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng chiến lược dài hạn cho xuất khẩu trái cây. Nhà nước có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp qua các chính sách ưu đãi về thuế để đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, cả Nhà nước và doanh nghiệp cùng tập trung xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thương hiệu không chỉ là câu chuyện về chất lượng sản phẩm mà còn liên quan đến việc xây dựng hình ảnh mạnh mẽ, đáng tin cậy, được minh bạch từ hạt giống, địa điểm canh tác, quy trình chăm sóc và thu hoạch, đến dây chuyền chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển… giúp sản phẩm của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong tâm trí người tiêu dùng quốc tế.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.