Thứ Hai, 07/10/2024, 16:51 (GMT+7)
.

Còn đùn đẩy, ôm đồm thì còn tắc nghẽn

Tại cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật diễn ra hôm 23-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến việc phải đẩy mạnh phân cấp và phân quyền triệt để, xóa bỏ cơ chế xin - cho, tránh việc gì cấp dưới cũng lên xin cấp trên mà phải căn cứ vào quy định; không thể bất cứ vấn đề gì dù nhỏ cũng phải trình lên cấp trung ương quyết.

Ông cũng nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đưa ra tại Hội nghị Trung ương 10 khóa 13, đó là Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ ban hành cơ chế, định hướng, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra; các bộ trưởng, trưởng ngành chỉ làm vấn đề chiến lược, quy hoạch, định hướng chương trình, đường lối phát triển quan trọng cho đất nước, không nên sa vào những vấn đề cụ thể.

Thật vậy, tình trạng “việc gì cấp dưới cũng lên xin cấp trên”, “bất cứ vấn đề gì dù nhỏ cũng phải trình lên cấp trung ương giải quyết” là một vấn nạn không nhỏ trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Nó không chỉ gây ra bao ách tắc cho nhu cầu giải quyết thủ tục pháp lý của người dân và doanh nghiệp, mà còn dễ tạo ra cơ chế xin - cho, một môi trường thuận lợi để tiêu cực phát triển.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không chỉ do vấn đề phân cấp, phân quyền mà còn ở mức độ thông hiểu khi áp dụng các quy định pháp luật của các cấp thừa hành cũng như thái độ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ công chức ở các cấp địa phương.

Quyền hành là thứ người ta không dễ giao cho người khác, vì vậy việc phân cấp, phân quyền triệt để không thể chỉ trông chờ vào sự tự nguyện của các ngành, các địa phương, mà cần có những hành động mạnh tay và kiên quyết từ Đảng và Chính phủ. Chẳng hạn như thành lập các tổ công tác để rà soát, đánh giá các loại thủ tục nào ở cấp bộ, ngành cần phải phân cấp cho địa phương; và ở địa phương thì loại nào cần chuyển giao về quận, huyện hoặc thậm chí là cấp phường, xã.

Một điểm rất quan trọng nữa là cần xác định những loại thủ tục nào Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ, mà có thể “phân cấp, phân quyền” cho doanh nghiệp thực hiện dưới dạng dịch vụ, còn Nhà nước chỉ quản lý bằng luật pháp và quy chuẩn.

Bên cạnh phân cấp, phân quyền, sự thông hiểu các quy định pháp luật của cán bộ ở cấp thừa hành tại địa phương cũng là vấn đề cấp bách phải giải quyết. Cán bộ công chức có hiểu đúng và hiểu rõ quy định pháp luật có liên quan thì mới tự tin giải quyết công việc mà không cần “xin cấp trên”; địa phương có hiểu đúng và hiểu rõ các quy định của luật pháp thì sẽ không còn tình trạng những việc nhỏ cũng phải trình lên cấp trung ương giải quyết. Đây là vấn đề có thể giải quyết dễ dàng qua các khóa đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ ngắn ngày, hoặc qua sổ tay nghiệp vụ nội bộ của từng ngành.

Ngoài ra, một hiện tượng phổ biến hiện nay là nhiều cán bộ công chức vì sợ trách nhiệm nên dùng vỏ bọc “xin ý kiến” để đùn đẩy lên cấp trên, còn địa phương thì đùn đẩy lên cấp trung ương giải quyết. Với các trường hợp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn yêu cầu hãy “đứng sang một bên”.

Tất nhiên, những cán bộ sợ trách nhiệm này sẽ không tự nguyện, mà cần có những tiêu chí để buộc họ phải “đứng sang một bên”. Các báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay Chỉ số cải cách hành chính, được điều tra và đánh giá hàng năm một cách độc lập, có thể là những tham khảo hữu dụng để xác định trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các bộ phận ở địa phương.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.