Chủ Nhật, 17/11/2024, 14:06 (GMT+7)
.

Nước mắt ngoài cổng trường

Điểm số của con cái nơi trường học cũng mang lại sự an tâm cho cha mẹ khi thi cử học hành bây giờ là những cửa ải khó nhọc cần sức bật về học lực. Nhưng đó có phải là tất cả của một quá trình giáo dục để người lớn đẩy đứa trẻ vào một áp lực hoàn hảo trong điểm số, thành tích?

Con bé đứng khóc tức tưởi, không muốn lên xe để mẹ nó chở về, dù trời sắp mưa xuống. Tiếng khóc của nó uất ức khiến nhiều phụ huynh dõi mắt nhìn xem chuyện gì xảy ra. Người cha mặt mũi hằm hằm kêu nó ngồi lên xe rồi rồ ga chạy hút vào đám đông trong tức tối.

Là một phụ huynh thường xuyên đi đón con, tôi đã nhiều lần gặp cảnh tượng tương tự trước cổng trường.

Những em học sinh khóc, tức mình vì bị điểm kém có thể xuất phát từ chính học sinh nhưng đa số là từ áp lực kỳ vọng của người khác. Quan sát từ cổng trường, lúc đón con tan học, là biết ngay thôi. Phụ huynh chia làm nhiều dạng. Có người vừa đón con ở sân trường, hạch hỏi ngay: “Hôm nay có điểm môn gì? Kiểm tra có làm bài được không?” hoặc đại loại những câu liên quan tới thành tích. Nhóm phụ huynh này chắc chắn sẽ đặt mối quan tâm tới điểm số, và con em họ hẳn là dễ rơi vào nhóm căng thẳng áp lực như trường hợp cô bé ở đầu bài. 8 điểm: khóc, 9 điểm: cũng khóc. Thậm chí 9,5 điểm, thua bạn nửa điểm, cũng khóc. Khóc vì dày vò trách nhiệm phải hoàn hảo trước cha mẹ, khóc vì không thừa nhận giới hạn bản thân.

Nhưng ngược lại, cũng có những phụ huynh đón con với nụ cười, câu đầu tiên là: “Sao, nay con đi học có gì vui không?”, “Bữa nay trường cho ăn gì, có đói không?” hay “Nay làm gì mà mồ hôi mồ kê quá vậy, chạy nhảy dữ lắm phải không?”... Phụ huynh thuộc nhóm này thường có những đứa con không chắc học giỏi, nhưng thích đi học vì nó không coi trường lớp là áp lực của một cuộc đua. Thậm chí, có người còn quay lại an ủi con nếu biết nó vì chểnh mảng mà bị điểm dưới trung bình một môn nào đó.

Một lần, ở lớp học thêm tiếng Anh, hai đứa học sinh cấp hai trò chuyện với nhau. Đứa học trường điểm đầu bảng của thành phố tâm sự với đứa học trường công cấp phường rằng, nó là đứa điểm cao nhất khối rồi nhưng mẹ nó vẫn không hài lòng. Yêu cầu của mẹ nó là môn nào cũng phải đạt 10 điểm, chỉ cần có một điểm 9,5 là bị la mắng. Điểm số trung bình của nó cuối năm là 9,8 nhưng không học kỳ nào không “ăn” vài trận đòi roi. Chỉ cần bài kiểm tra chỉ dừng lại ở điểm 9 là ăn roi của mẹ.

“9 điểm mà cũng bị đánh đòn?”, anh chàng học sinh trường nhỏ cấp phường nói. Trong đầu anh không hình dung nổi bởi đó là mức điểm mà anh hiếm khi có được. “Nghe bạn nói, con thấy hình như bạn không biết hạnh phúc là gì khi đến trường. Bạn còn kéo ống quần cho con coi vết sẹo vì bị mẹ đánh một vài năm trước, khi được 8 điểm môn văn. Con thấy trong lớp con cũng vậy. Nhiều bạn 9 điểm vẫn ngồi khóc, trong khi đứa thường xuyên chỉ đạt 7 điểm như con thì quen rồi nên... có 6 điểm cũng cười bình thường”, bạn nhỏ nói trong khi ông phụ huynh thì tư lự rồi hỏi đùa: “Vậy con thuộc nhóm nào?”. “Con thuộc nhóm không khóc không cười”, thằng con tếu táo.

Là phụ huynh, nếu anh có một đứa con có điểm số cao, học hành vượt trội so với bạn bè, hẳn anh cũng vui sướng chứ. Làm sao không vui sướng được trước thành tích học hành của con cái, khi mà điểm số là một phần thước đo năng lực học hành của mỗi đứa trẻ. Điểm số cũng mang lại sự an tâm khi thi cử học hành bây giờ là những cửa ải khó nhọc cần sức bật về học lực. Nhưng đó có phải là tất cả của một quá trình giáo dục để người lớn đẩy đứa trẻ vào một áp lực hoàn hảo trong điểm số, thành tích? Người mẹ dùng thước đánh vào ống chân con, để lại vết sẹo, nhắc nó luôn nhớ điểm số phải tròn 10 hẳn không thể ngờ được đằng sau sự vâng lời là một ý nghĩa phản kháng ngấm ngầm về cách đối xử của mẹ trước sự giới hạn của mình. Dẫu cho đó là đòn roi, răn đe nhân danh tình thương và tương lai con cái. 8 điểm môn văn và một vết sẹo nhớ đời, hằn sâu - cậu học sinh trung học sẽ không bao giờ tìm thấy nơi chuyện học hành là niềm vui bởi hành trình giáo dục đã được áp đặt theo một cuộc đua mà ở đó không có sự thoải mái.

Người học thiếu sự thoải mái để tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên đó chính là khuyết tật, vết sẹo của đời sống giáo dục hiện nay. Cuộc đua thành tích đã được nói đến nhiều, từ phía hệ thống giáo dục, nhưng cuộc đua đó cũng cần được nhìn nhận rõ hơn từ phía gia đình, phụ huynh.

Sự ngấm ngầm thỏa hiệp về mục tiêu thành tích giữa nhà trường và gia đình đẩy việc dạy và học vào một chu trình năng suất thành tích mà ở đó học sinh lẫn giáo viên đều là những người trung tâm của áp lực. Học sinh như những cỗ máy phải tạo ra những bảng thành tích tuyệt đối. Ở đó, không có sự đa dạng, không có sự nhìn nhận đủ năng lực khác biệt của từng người học, đặc biệt, điều tệ nhất là khiến con người không hài lòng với chính sự giới hạn của bản thân và người khác. Điều này sẽ gieo một khoảng xám vào tâm trí về sau, hình thành tính cách cực đoan, bất mãn bản thân.

Báo chí đã đăng thông tin về những vụ học sinh tự tử chỉ vì cha mẹ tiếp tay với nhà trường, ép học quá đáng nhưng có vẻ như đó vẫn chưa là bài học đối với nhiều người. Những học sinh vẫn khóc trước cổng trường sau các bài kiểm tra thường xuyên, thi giữa kỳ, thi học kỳ và thi chuyển cấp học. Và rất nhiều đứa không khóc, nhưng nó âm thầm mang một mặc cảm tội lỗi khi không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ trong việc học hành.

Có rất ít khả năng những điều đó gợi nên chuyển biến tích cực trong sự trưởng thành của một nhân cách. Nhưng lại có rất nhiều khả năng những điều đó mang lại bất hạnh cho đứa trẻ, dù thời bây giờ “trường học hạnh phúc” là một trong những khẩu hiệu của ngành giáo dục và “học để có tương lai hạnh phúc” là điều mà đa số phụ huynh tâm niệm.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.