"Khoán tăng trưởng" cho địa phương và công cuộc đổi mới về kinh tế
Nếu tất cả hoặc phần lớn các địa phương đạt tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 10%, GDP cả nước chắc chắn đạt hơn 10%. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chỉ có một số rất ít các quốc gia đạt được mức tăng trưởng hai con số trong 10-20 năm. Điều đó có nghĩa là nhiệm vụ đặt ra rất khó, nhưng không phải là không thể đạt được.
![]() |
Với lợi thế của một thành phố sở hữu nhiều cảng biển quan trọng, Hải Phòng có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng GRDP khi cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: Danh Lam |
Những đánh giá và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây đã mở ra không gian và điều kiện hết sức thuận lợi cho cải cách thể chế phát triển. Thể chế (trước hết là các quy định của pháp luật) chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và phải giải quyết điểm nghẽn này để tạo “đột phá của đột phá”. Muốn tháo bỏ điểm nghẽn, phải có cách nghĩ và cách làm mới, không chỉ là tiếp tục hoàn thiện thể chế mà phải tháo bỏ, thậm chí phải đập bỏ để xây lại, nếu xét thấy cần thiết.
Khung tư duy để tạo “đột phá của đột phá”
Cả hệ thống chính trị phải quán triệt các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm làm khung tư duy, phương pháp luận để tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Cụ thể, phải bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong xây dựng pháp luật; luật pháp không chỉ để quản lý, mà phải khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển, tạo cơ hội và mở rộng không gian phát triển. Nhanh chóng khắc phục những chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, dễ tuân thủ. Tinh thần là một vấn đề, một nội dung chỉ quy định tại một luật; doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Đề cao phương pháp quản lý theo kết quả và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo không gian mới và động lực phát triển; đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin-cho” và tư duy bao cấp.
Ách tắc, điểm nghẽn pháp lý lớn nhất hiện nay tập trung ở hai lĩnh vực: Một là, lĩnh vực huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực, nhất là đất đai, đầu tư các loại. Hai là, pháp luật chuyên ngành, nhất là về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng. Vì vậy, trong mấy năm trước mắt, cần tập trung tháo bỏ các điểm nghẽn trong hai lĩnh vực nói trên.
Đối với lĩnh vực huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực, hiện có hàng loạt các luật chồng lấn nhau, cùng chung phạm vi điều chỉnh là đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng, gồm Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đối tác công-tư (luật PPP) và một số luật khác liên quan như Luật Quy hoạch, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn… Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không quốc gia nào có Luật Đầu tư như Việt Nam, cũng không có Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở như ở Việt Nam (Luật Nhà ở, nếu có thì đó là luật về chính sách nhà ở cho công dân...). Vì vậy, quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, cần nghiên cứu bãi bỏ một phần hai nội dung của Luật Đầu tư (chỉ giữ lại phần nội dung bảo hộ và khuyến khích đầu tư); bãi bỏ Luật Đầu tư công, bãi bỏ Luật Kinh doanh bất động sản, bãi bỏ Luật Nhà ở (nếu cần, sẽ xây dựng Luật Chính sách nhà ở); bãi bỏ luật PPP, thay vào đó xây dựng luật hợp đồng PPP. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi lại Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất, gồm cả quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực thi luật thông qua thị trường, không phải bằng biện pháp hành chính như hiện nay. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Quy hoạch hiện hành thay thế, bãi bỏ tất cả các luật, nội dung về quy hoạch trong các luật khác.
Khi điều kiện bên ngoài không thuận lợi, chúng ta phải tận dụng dư địa của các động lực tăng trưởng bên trong để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Nếu không, tăng trưởng có thể quay lại mức 5-6% như dự báo của các tổ chức quốc tế. |
Đối với các luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng, cần rà soát bãi bỏ ít nhất hai phần ba số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và quy định tương ứng về điều kiện kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Số còn lại sẽ được chính xác hóa, cụ thể hóa, đơn giản hóa, minh bạch hóa để dễ dàng tuân thủ, thực thi với chi phí thấp nhất có thể.
Phân cấp triệt để cho các địa phương
Tháo gỡ hai điểm nghẽn thể chế kết hợp với phân cấp triệt để cho địa phương, chắc chắn sẽ có đột phá của đột phá.
Hiện nay, quy hoạch (tích hợp) phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, tất cả các địa phương đều đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 10%. Quy hoạch cũng đã xác định các nhiệm vụ đột phá, các định hướng phát triển ngành, vùng cùng danh mục dự án đầu tư để đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên. Như vậy, trong thực tế, lãnh đạo các địa phương đã đặt mục tiêu tăng trưởng cao và họ đã nhận thức rõ điều đó.
Kế thừa mục tiêu quy hoạch nói trên, Đại hội XIV của Đảng sẽ giao chính thức các chỉ tiêu, gồm tăng trưởng GRDP, số công ăn việc làm mới và thu nhập/bình quân đầu người tương ứng cho các địa phương, tức là giao nhiệm vụ cho lãnh đạo địa phương đó nhiệm kỳ 2026-2030. Như vậy, năng lực điều hành của lãnh đạo địa phương sẽ được đánh giá theo kết quả thực hiện ba chỉ tiêu (KPIs) tăng trưởng GRDP hơn 10% và chỉ tiêu trực tiếp liên quan, gồm số công ăn việc làm mới và thu nhập bình quân đầu người. Mục tiêu này là rất cao và chỉ có người tài thật sự mới có thể làm được. Giao mục tiêu cao sẽ tạo áp lực mạnh buộc bí thư, chủ tịch tỉnh phải dốc hết sức lực và trí tuệ, phải lao tâm, khổ tứ, phải thu phục nhân tâm, phải đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ khác và làm khác để đạt mục tiêu. Muốn vậy, cần tạo ra động lực hợp lý và không gian đủ rộng để họ phát huy tài năng và thực thi nhiệm vụ được giao.
Không gian đó có thể là thực hiện phân cấp triệt để, toàn diện cho địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Nghĩa là địa phương không chỉ được quyết “làm gì” mà có quyền quyết “làm thế nào”. Trường hợp phải thay đổi, bổ sung quy hoạch, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố chấp thuận, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cũng cần trao quyền cho địa phương được áp dụng, thực thi linh hoạt quy định pháp luật; trường hợp quy định pháp luật về cùng một vấn đề chồng chéo, khác nhau thì được quyền chọn quy định phù hợp nhất để áp dụng giải quyết vấn đề liên quan. Trường hợp pháp luật chưa quy định, hoặc quy định chưa rõ ràng, thì được quyền áp dụng cách thức hợp lý, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề. Điều quan trọng khác là thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo địa phương theo mục tiêu, theo kết quả và hiệu quả tổng thể, không đánh giá theo quy trình, quy định; không vì một thất bại hay không thành công tại một dự án, mà phủ nhận việc đạt được mục tiêu tổng thể thể hiện qua các chỉ tiêu nói trên. Trung ương phải bảo đảm sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng trong thực hiện các dự án vùng; không để tình trạng địa phương này vì sự phát triển của địa phương mình mà ngăn chặn kết nối, hạn chế không gian và cơ hội phát triển của địa phương khác. Trường hợp cần thiết, Chính phủ thực hiện bảo lãnh để các địa phương vay thêm vốn đầu tư các dự án quan trọng, không thể thiếu nguồn lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt và toàn diện về kinh tế là con đường tất yếu để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Tạo nguồn lực riêng từ chính sách đặc thù Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, có 18/63 địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số và không có địa phương nào tăng trưởng dưới 8%. Ba địa phương được giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước là Bắc Giang 13,6%, Ninh Thuận 13%, Hải Phòng 12,5%. |
Theo nhandan.vn