Phát triển bền vững từ nền kinh tế tự chủ
Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố áp mức thuế quan lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã tác động rõ rệt, không chỉ tới các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
![]() |
Quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là quan hệ bổ trợ cho nhau, cùng có lợi và hoàn toàn không gây hại cho công nghiệp gỗ Hoa Kỳ. Nguồn: Gỗ An Cường |
Thực tế, quyết định này không đơn thuần là một hành động thương mại đơn lẻ, mà là chỉ dấu rõ nét của làn sóng bảo hộ kinh tế đang quay trở lại mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, tư duy kinh tế tự chủ - một học thuyết từng bị coi là lỗi thời trong thời đại toàn cầu hóa, đang dần chứng minh tính cấp thiết và giá trị chiến lược đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Từ câu hỏi sống còn...
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chủ nghĩa bảo hộ đã được nâng lên thành học thuyết cốt lõi. Chính sách kinh tế “Make America Great Again” không chỉ là một khẩu hiệu chính trị mà còn là nguyên tắc định hình chính sách thương mại và sản xuất của Mỹ. Việc áp thuế mức cao lên hàng hóa của 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam, phản ánh mong muốn kéo chuỗi sản xuất trở lại nội địa, phục hồi ngành công nghiệp Mỹ và giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may, da giày, nội thất - những ngành vốn phụ thuộc gần 40% kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ - hiện phải đối mặt với nguy cơ đơn hàng bị hủy bỏ, chi phí đội lên, và khả năng mất hoàn toàn lợi thế cạnh tranh. Do đó, lúc này câu hỏi sống còn đối với các quốc gia có định hướng xuất khẩu rõ rệt như Việt Nam sẽ là - Nếu chỉ dựa vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang một thị trường duy nhất, liệu nền kinh tế có thể đứng vững khi cục diện chính trị, thương mại thay đổi?
... đến sự trở lại của một học thuyết kinh tế
Về bản chất, kinh tế tự chủ không phải là việc “đóng cửa” với thế giới, mà là xây dựng một nền tảng kinh tế có khả năng tự đứng vững trước biến động toàn cầu. Trong tác phẩm nổi tiếng Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia (The National System of Political Economy - xuất bản năm 1841), lý thuyết gia kinh tế người Đức Daniel Friedrich List - người tiên phong tranh đấu cho vấn đề thuế quan chung giữa các nước, khẳng định: “Lợi ích quốc gia phải được đặt lên trên lợi ích của thị trường tự do toàn cầu”. Theo Friedrich List, sức mạnh sản xuất chứ không chỉ trao đổi thương mại là yếu tố quyết định sự phồn thịnh của một quốc gia.
Tại Việt Nam, tư duy tự chủ từng được áp dụng trong các giai đoạn khó khăn (thời kỳ Đổi mới năm 1986 và thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997), nhưng sau đó dần nhường chỗ cho mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu. Sự kiện Mỹ áp thuế đối ứng lần này là một lời cảnh tỉnh về việc Việt Nam cần trở lại với chiến lược đa phương hóa thị trường, nâng cấp chuỗi giá trị và đặc biệt là phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ lõi.
Đa dạng hóa thị trường và đối tác thương mại là nguyên tắc sống còn để Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ. Việc phụ thuộc vào một thị trường duy nhất khiến nền kinh tế dễ tổn thương trước các biến động địa chính trị. Việt Nam cần mở rộng xuất khẩu sang châu Âu, Trung Đông, châu Phi và tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP. Song song đó, phát triển thị trường nội địa sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ bên ngoài và tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghệ lõi là chìa khóa để thoát khỏi mô hình gia công, hướng đến năng lực sản xuất độc lập. Việt Nam cần đầu tư mạnh vào sản xuất linh kiện, nguyên liệu trong nước và ưu tiên R&D để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung vào các ngành công nghệ cao như bán dẫn, AI và ô-tô điện sẽ là bước đột phá cho nền kinh tế tương lai.
Cuối cùng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước - đặc biệt là SMEs - là điều kiện tiên quyết để tự chủ kinh tế. Chính phủ cần hỗ trợ về vốn, công nghệ, nhân lực và khởi nghiệp sáng tạo. Khi doanh nghiệp đủ mạnh, đủ linh hoạt, nền kinh tế Việt Nam sẽ vững vàng trước mọi biến động và tự tin bước vào thời kỳ phát triển bền vững.
Việc Mỹ quyết định áp mức thuế 46% là cú sốc lớn, nhưng cũng chính là cơ hội để Việt Nam nhìn lại chiến lược phát triển của mình. Một nền kinh tế muốn đứng vững không thể chỉ dựa vào xuất khẩu thô và lao động giá rẻ. Sự tự chủ đến từ chính sách, công nghệ, sản xuất đến tiêu dùng sẽ là “chiếc khiên vững chắc” giúp Việt Nam chống đỡ những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Trong thời kỳ nhiều biến động bất thường hiện nay, kinh tế tự chủ là con đường sáng để phát triển bền vững!
Kinh tế tự chủ trong thế kỷ 21 không phải là sự khép mình. Đó là sự đa dạng hóa đối tác, không quá phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào. Đó là tăng năng lực đổi mới, sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay vì chỉ gia công thô. Đó là đầu tư có chọn lọc, nhằm tăng sức đề kháng trước các cú sốc toàn cầu. |
Theo nhandan.vn