Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh
Tuyên truyền thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. (Ảnh: thanhnien.com.vn) |
Theo đó, để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, hạn chế số mắc và tử vong ngay từ đầu năm, nhất là các loại dịch bệnh tay - chân - miệng (T-C-M), sốt xuất huyết (SXH), cúm A H5N1, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
- Sở Y tế: Xây dựng kế hoạch của tỉnh phòng, chống các loại dịch bệnh và từng loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, đang được cảnh báo như T-C-M, SXH, cúm A H5N1... để các ngành, các cấp triển khai thực hiện.
Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát động hưởng ứng “Chiến dịch Quốc gia phòng, chống bệnh T-C-M” các cấp theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo hệ dự phòng phối hợp tăng cường công tác giám sát, phát hiện, điều tra xác minh và xử lý kịp thời theo quy định, không để dịch bùng phát.
Cơ quan Y tế cũng cần tổ chức tập huấn công tác giám sát và xử lý dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho cán bộ y tế các tuyến; chỉ đạo hệ điều trị thực hiện giám sát, phát hiện và báo cáo cho hệ dự phòng theo đúng Thông tư 48/2010/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm; tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng điều trị, tổ chức hội chẩn giữa các tuyến; đảm bảo thuốc, hóa chất, dịch truyền, trang thiết bị và cơ sở vật chất cho việc khám và điều trị...
- Sở NN&PTNT: Thông tin kịp thời cho ngành Y tế về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và cử cán bộ tham gia cùng ngành Y tế để kịp thời theo dõi, giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp nghi nhiễm cúm A H5N1 trên người; tăng cường giám sát chất lượng nước cấp đảm bảo đạt tiêu chuẩn cho người sử dụng nhằm phòng ngừa các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa.
- Sở GD&ĐT: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trong nhà trường; bố trí và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân hàng ngày như rửa tay bằng xà phòng, lau chùi dụng cụ, vệ sinh môi trường.
Các cơ sở giáo dục cần thực hiện thông tin, báo cáo kịp thời cho ngành Y tế về các ca bệnh, ổ dịch; phối hợp với ngành Y tế tổ chức xử lý môi trường, không để bệnh lây lan; tổ chức các hoạt động truyền thông cho phụ huynh và học sinh về bệnh T-C-M và các biện pháp phòng, chống; thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch trong nhà trường.
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan: Phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục người dân về tình hình các loại dịch bệnh, đường lây truyền, nhóm nguy cơ mắc bệnh, các triệu chứng và dấu hiệu nặng cần nhập viện, các biện pháp phòng, chống để nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.
Cần thông báo kịp thời khi phát hiện các trường hợp mắc và phối hợp với ngành Y tế tiến hành xử lý ca bệnh, ổ dịch theo quy định; tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh niên tích cực tham gia và gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh tại gia đình.
- UBND các huyện, TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công: Xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí kinh phí kịp thời đáp ứng cho các hoạt động phòng ngừa các loại dịch bệnh tại địa phương, không để xảy ra dịch lớn rồi mới xuất kinh phí, nhất là các dịch bệnh đang có cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cao.
Các địa phương cần làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra UBND các xã, phường, thị trấn huy động các ban, ngành, đoàn thể thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch; tổ chức họp báo hàng tuần, tháng để đánh giá và đề xuất các biện pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả; đồng thời báo cáo kết quả theo quy định.
T.A