Chủ động thực hiện phác đồ cấp cứu tai biến sản khoa
Trước tình hình báo động về tử vong do tai biến sản khoa trên địa bàn cả nước (10 ca trong tháng qua), Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành Y tế về công tác phòng ngừa tai biến sản khoa. Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết:
Nhằm hạn chế tối đa những tai biến sản khoa dẫn đến tử vong ở sản phụ, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thuộc lĩnh vực sản khoa thực hiện nghiêm các quy định, quy chế chuyên môn; củng cố, sắp xếp, bố trí bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh phù hợp với điều kiện của từng đơn vị và nhu cầu phục vụ.
Thủ trưởng các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế lĩnh vực sản khoa tại các đơn vị phụ trách.
Chăm sóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. Ảnh: N.HỮU |
+ PV: Được biết, ngoài Khoa Sản ở các bệnh viện, các trạm y tế xã (phường, thị trấn) còn có mô hình nhà bảo sanh tư nhân. Xin TS.BS cho biết cách quản lý mô hình này như thế nào?
+ TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ: Theo thống kê, Sở Y tế đã cấp phép hoạt động cho 19 nhà bảo sanh (NBS) tư trên địa bàn tỉnh theo Thông tư 07/2007/TT-BYT. Trong đó, TP. Mỹ Tho có 9 NBS, huyện Cai Lậy có 5 NBS, huyện Chợ Gạo có 3 NBS. Để quản lý mô hình này Sở Y tế giao các Trung tâm Y tế và Phòng Y tế cấp huyện chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo về Sở Y tế.
Sở Y tế cũng kết hợp giám sát các NBS tư về các nội dung trên khi đi thẩm định để cấp tiếp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề hoặc khi có đợt kiểm tra đột xuất.
+ PV: Trong vài năm trước đây, trên địa bàn tỉnh cũng có xảy ra một số tai biến sản khoa, TS.BS đánh giá thế nào về chất lượng và hiệu quả điều trị trong cấp cứu sản khoa của ngành Y tế tỉnh nhà?
+ TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ: Trong những năm gần đây, công tác sản khoa của tỉnh nhà đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan trong cấp cứu sản khoa, giảm dần các trường hợp tai biến sản khoa.
Bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh được cập nhật, nâng cao kiến thức xử trí cấp cứu sản khoa, triển khai thực hiện phác đồ cấp cứu tai biến sản khoa của Bộ Y tế, bổ sung trang thiết bị chuyên môn, phân tích rút kinh nghiệm chuyên môn từ kết quả phản hồi của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh gửi về.
+ PV: Thực hiện Công văn khẩn số 2809 của Bộ Y tế gửi Sở Y tế các địa phương về việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế các tuyến về chẩn đoán và xử trí cấp cứu sản khoa, hạn chế tối đa các trường hợp tai biến dẫn đến tử vong, Sở Y tế đã có những động thái nào?
+ TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ: Để chủ động dự phòng tai biến sản khoa, hạn chế thấp nhất tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, Sở Y tế đã khẩn trương triển khai một số nội dung sau:
Tổ chức giám sát đối với tất cả các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện trên địa bàn để chấn chỉnh việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quy chế bệnh viện và các quy định liên quan của pháp luật, các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh… kể cả công tác giám sát, hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên cho tuyến dưới.
Rà soát tình hình cán bộ về số lượng và năng lực, trang thiết bị và tổ chức nhân sự làm công tác chăm sóc sản khoa, nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế trên địa bàn để có kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng cấp cứu sản khoa.
Xây dựng kế hoạch đào tạo lại, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế kể cả tuyến tỉnh, huyện, xã về chẩn đoán và xử trí cấp cứu sản khoa theo các hướng dẫn chuyên môn, đặc biệt là tài liệu chuyên môn “ Hướng dẫn chẩn đoán xử trí cấp cứu các tai biến sản khoa” ban hành theo Quyết định 5231/QĐ-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Bộ Y tế.
Có kế hoạch chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở y tế tư nhân về giấy phép hành nghề, phạm vi chuyên môn, điều kiện và năng lực thực tế về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh; xử lý nghiêm các trường hợp và cơ sở vi phạm theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và các quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Khi có tai biến sản khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc, Sở Y tế khẩn trương xem xét, đánh giá sự việc ban đầu, chỉ đạo giải quyết và chủ động báo cáo nhanh về Bộ Y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế đã cử 25 cán bộ sản khoa (bác sĩ, nữ hộ sinh) tham dự các lớp đào tạo cấp cứu sản khoa về sơ sinh trong năm 2012 theo Công văn chiêu sinh của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh số 1542/BVTD-CĐT ngày 11-4-2012.
+ Phóng viên: Cảm ơn TS.BS
NGUYỄN HỮU (Thực hiện)
Vừa qua, Sở Y tế tỉnh họp kiểm điểm rút kinh nghiệm vụ gạc phẫu thuật “bỏ quên” trong bụng một sản phụ. Sản phụ này bị băng huyết sau sinh mổ bắt con, được Bệnh viện đa khoa khu vực Gò Công chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, chỉ định cắt tử cung. Sau đó phát hiện một mảnh gạc phẫu thuật bị "bỏ quên" trong bụng bệnh nhân khiến sản phụ sốt liên tục. Theo Sở Y tế, cả hai bệnh viện trên đều có lỗi trong vụ "quên" gạc. Trong đó bệnh viện huyện có 70% lỗi vì đưa gạc vào bụng cầm máu nhưng không thông báo cho Bệnh viện Phụ sản biết. 30% lỗi còn lại thuộc về Bệnh viện Phụ sản do phẫu thuật cấp cứu nhưng không kiểm tra kỹ nên để sót gạc. P.V |