Thứ Bảy, 08/09/2012, 10:54 (GMT+7)
.

Chất lượng trước, viện phí sau

Từ hôm có Thông tư liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Y tế về khung giá viện phí tối đa đối với 350 loại dịch vụ y tế công, dư luận rất quan tâm, nhiều người lo lắng, nhất là những người nghèo không có bảo hiểm y tế.

Nhiều tỉnh, thành đã áp dụng những khung giá khác nhau. Tại Tiền Giang, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh Đề án “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập”. Đề án này sau khi được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện ngay, trước khi áp dụng viện phí mới (khoảng tháng 10). Dư luận trong tỉnh chắc chắn rất hoan nghênh việc thi hành Thông tư cấp trên của Sở Y tế Tiền Giang.

Trong điều kiện Nhà nước không đủ sức bao cấp đáp ứng kinh phí hoạt động, việc tăng thu viện phí là một biện pháp “chẳng đặng đừng” để vực dậy chất lượng phục vụ của ngành Y tế. Và lãnh đạo ngành Y tế tỉnh ta đã nỗ lực đột phá vào khâu này, lấy kết quả bước đầu để thuyết phục bệnh nhân và gia đình; đồng thời tạo đà tiếp tục giữ vững thành quả, phát triển tốt hơn.

giảm tải bệnh viện tuyến trên, Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Ảnh: Như Lam
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Ảnh: Như Lam

Ai cũng biết, để giảm quá tải ở bệnh viện tuyến trên (tỉnh, khu vực) thì phải nâng chất khám, chữa bệnh ở tuyến huyện và cơ sở. Về nhân sự, hiện tỉnh ta chỉ có 144/169 xã (phường, thị trấn) có bác sĩ.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hùng Vĩ, bài toán này trước mắt được giải quyết bằng biện pháp khám, chữa bệnh hẹn giờ và ký hợp đồng với các bác sĩ phòng khám tư nhân tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã (phường, thị trấn). Khám, chữa bệnh hẹn giờ đang được làm thí điểm ở một số bệnh viện, kết quả rất tốt.

Về ký hợp đồng với phòng khám tư nhân, bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: Tiền Giang có khoảng 600 bác sĩ có phòng khám ngoài giờ ở rải rác khắp các xã (phường, thị trấn), phần lớn công tác ở các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh, có nhiều kinh nghiệm nên thu hút bệnh nhân khá nhiều.

Chỉ cần mời gọi chừng 400 bác sĩ hợp đồng với các trạm y tế cấp xã để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân diện bảo hiểm y tế thì bệnh nhân sẽ chấp nhận và không còn đổ dồn về tuyến trên nữa. Bệnh nhân phải trả thêm tiền công khám bệnh chênh lệch giữa giá bảo hiểm y tế thanh toán và giá của phòng khám tư nhân. Sau khi khám bệnh, bác sĩ của phòng khám tư nhân sẽ ghi toa thuốc, bệnh nhân đến trạm y tế nhận thuốc…

Bài toán giảm tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nói chung phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp: Tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực (chỉ tiêu 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ, ta chỉ còn thiếu 25 và chỉ tiêu 7 bác sĩ/10.000 dân, ta còn thiếu 2,13; chất lượng thì bên cạnh tay nghề, cần đặc biệt chú trọng về y đức).

Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị; đầu tư cho y tế dự phòng, nâng cao ý thức, kiến thức phòng bệnh cho mọi người; chăm sóc ngành Đông y, khuyến khích trồng và sử dụng thuốc Nam; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, ngoài ngân sách Nhà nước hỗ trợ, vận động các tập thể, cá nhân khá giả hỗ trợ người nghèo mua bảo hiểm y tế…

Mong rằng, Đề án “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập” của ngành Y tế Tiền Giang sẽ thành công, tiến tới cùng các ngành của tỉnh đạt được nhiều mục tiêu khác về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó sớm thực hiện được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh.

TRẦN QUÂN

.
.
.