Thứ Năm, 20/09/2012, 06:53 (GMT+7)
.

Không chỉ là phổ cập bơi, phòng tránh đuối nước

Dù không phải là biết bơi thì không bị đuối nước, nhưng để phòng tránh đuối nước thì cách làm tốt nhất hiện nay vẫn là học bơi, biết bơi. Vấn đề này đã được Báo Ấp Bắc đề cập và lý giải nhiều lần. Nay nhắc lại chắc cũng không thừa, nhất là mới đây vừa xảy ra vụ 8 học sinh chết đuối thương tâm trên hồ Tuy Lai (Hà Nội).

Ảnh: Trác Ngô
Ảnh: Trác Ngô

Vụ việc gợi cho dân Mỹ Tho nhớ tới trường hợp 4 học sinh THPT chết đuối trên sông Bảo Định và các vụ khác cũng xảy ra ở cống Bảo Định hay ở nơi này, nơi khác.

Hàng năm, tai nạn do đuối nước xảy ra ở TP. Mỹ Tho và các nơi trong tỉnh là vấn đề đáng báo động, nhất là đối với trẻ em hiếu kỳ, thích tắm sông. Hơn nữa, hàng năm Tiền Giang đối mặt với lũ lụt (dù lớn hay nhỏ) và mùa lũ năm nay đang đến gần.

Trước vấn nạn đuối nước, Trung tâm TDTT TP. Mỹ Tho đã có sáng kiến và thực hiện có hiệu quả việc kết hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng cấp tổ chức phổ cập bơi cho các em học sinh THCS.

Qua các năm học gần đây và hiện nay, việc phổ cập bơi trong học sinh đã được đa số nhà trường và phụ huynh học sinh đồng tình hưởng ứng. Riêng đối với các em tỏ ra thích thú, hồn nhiên… hòa nhập với nước. Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo là làm sao “chống tái mù bơi”, bởi sau mỗi khóa phổ cập, các em biết bơi cơ bản rồi sau đó… bỏ bơi.

Mặt khác, sức chứa của hồ bơi có hạn, chuyện tắm sông, tắm hồ được cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, lại ô nhiễm… nên chuyện “tái mù bơi” là đương nhiên. Ngoài ra, ở vài huyện không có hồ bơi còn có sáng kiến “khoanh vùng” an toàn, trang bị phao tổ chức các lớp phổ cập bơi cho học sinh trên sông, rạch.

Trước đây, từ nguồn tài trợ của các tổ chức nhân đạo xã hội, phi chính phủ, tỉnh ta cũng đã thực hiện chương trình dạy bơi cho trẻ em vùng lũ mang lại kết quả tích cực. Qua các hoạt động này, cho thấy vấn nạn đuối nước được quan tâm, hạn chế…; đồng thời khẳng định “dạy bơi, phòng tránh đuối nước” là giải pháp tốt nhất cho trẻ em trong cộng đồng.

Từ những ghi nhận tích cực trong thời gian qua, thiết nghĩ chúng ta cần có cách làm căn cơ hơn và không chỉ dừng lại ở mức độ phổ cập bơi trong học sinh.

Tất nhiên, học sinh là đối tượng đầu tiên mà ngành Giáo dục và Đào tạo cùng ngành TDTT ưu tiên. Thứ nữa là vấn đề đầu tư xây dựng hồ bơi, nghe đâu TX. Gò Công đã có dự án, song đang “tắc” ở vốn đầu tư.

Nếu xác định đây là công trình trọng điểm cho khu vực phía đông thì việc ưu tiên dành vốn cho phúc lợi xã hội là việc cần quan tâm. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu thấu đáo phương thức xã hội hóa, dành ưu đãi cho đơn vị và cá nhân nhiệt thành đầu tư cho lĩnh vực này nhằm thu hút nhiều giới tập luyện rộng rãi, phát triển theo hướng nâng cao. 

Từ lâu, có ý kiến cho rằng, Tiền Giang là tỉnh “giàu” sông nước, trong điều kiện tự nhiên đó không nhất thiết xây dựng hồ bơi. Luồng ý kiến này đến nay xem ra quá lạc hậu. Lại càng không chấp nhận được, khi bây giờ “tất cả các dòng sông đều… ô nhiễm”.

Và đáng hỗ thẹn hơn khi bao nhiêu năm qua, thể thao Tiền Giang mãi tồn tại khoảng trống vận động viên bơi lội, trong khi đây là bộ môn “đỉnh cao” của các kỳ đại hội thể thao trong nước, khu vực và thế giới.

Nhìn lại và đi tới, xin có vài gợi mở: Bơi lội đang thúc bách Tiền Giang chúng ta từ ngày thường đến ngày hội đua tài.

NGƯỜI SÔNG TIỀN

.
.
.