Hạn chế dùng chất kích thích gây chuyển dạ cho thai phụ
Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có yêu cầu đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không sử dụng Prostaglandin gây chuyển dạ trên thai phụ đủ tháng và thai sống vì nguy cơ vỡ tử cung và suy thai.
Theo dõi sức khỏe thai nhi. Ảnh: TTXVN |
Bà Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết, yêu cầu trên được đưa ra để phòng tránh tai biến sản khoa và lạm dụng thuốc có thể xảy ra khi thực hiện gây chuyển dạ.
Thời gian qua, nhiều vụ tai biến sản khoa đã làm cho không ít sản phụ tử vong. Trong các trường hợp tai biến sản khoa được báo cáo 6 tháng đầu năm 2012, có 88 ca tử vong mẹ hoặc cả mẹ và con tại nhiều địa phương.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, trong số 88 ca tử vong này có tới 60 ca tử vong nguyên nhân trực tiếp từ tai biến sản khoa, 28 trường hợp khác được cho là có bệnh lý từ trước.
Bà Hồng cho hay, sử dụng Prostaglandin là một trong những phương pháp gây chuyển dạ. Thuốc thường được dùng hiện nay là Misoprostol (Prostaglandin E1) cũng có tác dụng rất tốt trong việc làm mềm, mở cổ tử cung và gây chuyển dạ, ngoài ra misoprostol còn có tác dụng kéo dài tới giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự cầm máu sau đẻ.
Tuy nhiên, để phòng tránh tai biến sản khoa và lạm dụng thuốc có thể xảy ra khi thực hiện gây chuyển dạ, đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở sản khoa không sử dụng Misoprostol (biệt dược của Misoprostol được sử dụng thông dụng nhất hiện nay có tên là Cytotec) gây chuyển dạ trên thai phụ đủ tháng và thai sống vì nguy cơ vỡ tử cung và suy thai.
Đối với các trường hợp khác, khi sử dụng Misoprostol, ngoài việc tuân thủ các điều kiện, chỉ định, chống chỉ định, đánh giá trước khi gây chuyển dạ, cần phải theo dõi sát cơn co tử cung, tim thai, các tác dụng phụ, tiến triển của cuộc chuyển dạ để đánh giá, tiên lượng và xử trí kịp thời.
Các bác sĩ cần tư vấn cho sản phụ và gia đình hiểu rõ thời gian phải theo dõi chuyển dạ, sự xuất hiện những cơn đau do co tử cung, một số tác dụng phụ của thuốc để sản phụ và gia đình yên tâm, hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chuyên môn, đặc biệt là việc sử dụng các thuốc tăng co tử cung. Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc tăng co tử cung để gây chuyển dạ.
HOÀNG AN
(Tổng hợp)