Phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn TP. Mỹ Tho: Áp lực & nỗ lực
Trong 9 tháng qua, toàn TP. Mỹ Tho đã xảy ra 472 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue, tăng 23% so cùng kỳ năm 2011; trong đó gồm 446 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, 26 trường hợp nặng và 1 trường hợp tử vong tại phường 10.
Bệnh SXH đã xảy ra ở tất cả 17 phường, xã của TP. Mỹ Tho. Nếu tính theo tỷ lệ mắc/100.000 dân thì các nơi có số ca mắc SXH cao là xã Mỹ Phong, phường 8 và phường 9 với số ca mắc từ 20 - 59 trường hợp; các phường, xã còn lại cũng có từ 4 ca bệnh SXH trở lên.
Điều đáng chú ý là bệnh SXH trên địa bàn TP. Mỹ Tho diễn biến phức tạp, có số ca mắc cao ngay từ đầu năm và lưu hành quanh năm, tháng nào cũng có số ca mắc (mỗi tháng có từ 20 - 40 ca).
Cao điểm vào những tháng đầu năm ở phường 4, phường 8 và xã Tân Mỹ Chánh có số ca mắc hàng tuần vượt chỉ số báo dịch và có số ca bệnh tập trung tại một số khu phố, ấp. Trong những tháng gần đây, TP. Mỹ Tho có số trường hợp mắc bệnh SXH tăng nhanh (từ 50 - 80 ca/tháng).
Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho phun hóa chất diệt muỗi tại các nhà dân thuộc ấp Bình Tạo, xã Trung An. |
Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, thành phố và các phường, xã đã thực hiện nhiều hoạt động như: thực hiện 2 chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng lần I và II - 2012. TP. Mỹ Tho còn tổ chức phun thuốc diện rộng trong chiến dịch đợt I-2012 tại các trọng điểm gồm: khu phố 4, 9 (phường 4 ) và khu phố 3, 4 (phường 8) với tổng số 1.550 hộ dân; tổ chức 2 đợt phun thuốc hóa chất diện rộng phòng chống bệnh SXH trong chiến dịch đợt II-2012 tại 4 khu phố, ấp trọng điểm với tổng số 1.895 hộ dân, gồm 8.077 người.
Ngành Y tế thành phố tổ chức xử lý 40 ổ dịch nhỏ, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh SXH ngay tại gia đình… nhằm giảm nguy cơ bùng phát dịch.
Ngoài ra, ngành Y tế thành phố còn triển khai nhiều giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch như: giảm tỷ lệ mắc và khống chế dịch, tăng cường tập huấn, truyền thông giáo dục sức khỏe và giám sát kiểm tra; tập trung giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố và ngoài cộng đồng…
Tuy nhiên, do đặc điểm của thành phố là nơi tập trung đông dân, dân nhập cư nhiều, là điều kiện thuận lợi dễ phát sinh bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan thành dịch. Việc điều tra, quản lý bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh SXH còn gặp nhiều khó khăn nên tình hình bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn lưu hành và gây dịch thường xuyên. Đặc biệt là tính chất phức tạp của bệnh SXH, nhất là trong mùa mưa rất dễ bùng phát thành dịch.
Do đó ngành Y tế thành phố đã tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH tích cực trong mùa mưa như: Xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, xử lý các ca bệnh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi.
Riêng Trung tâm Y tế thành phố có kế hoạch cụ thể trong việc xử lý triệt để ổ dịch nhỏ theo đúng quy định, giám sát côn trùng theo kế hoạch định kỳ và theo tỷ lệ ca bệnh, tiếp tục giám sát tình hình bệnh SXH ở trường học và việc nuôi cá để diệt lăng quăng, bọ gậy tại các trạm y tế phường, xã…
Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng lần II và phun thuốc diệt muỗi các trọng điểm phòng, chống bệnh SXH lần II-2012. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, thành phố và các phường, xã sẽ tổ chức thực hiện các biện pháp loại trừ lăng quăng, diệt muỗi triệt để và phát động các phong trào diệt lăng quăng trong cộng đồng dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị góp phần phòng, chống bệnh SXH; đồng thời tổ chức phun thuốc dập dịch tại các trọng điểm.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi và nhận thức của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh…
Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch bệnh trên người cho biết, bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng, chống bệnh SXH của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đó là chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc thu thập thông tin, dẫn đến việc xác minh ca bệnh chậm hoặc không tìm được bệnh nhân, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch; nhận thức về phòng bệnh của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhất là chưa có trách nhiệm cao trong tham gia phòng, chống dịch bệnh, từ đó dẫn đến tình trạng bệnh SXH trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra thường xuyên.
Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn TP. Mỹ Tho đạt hiệu quả, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền và ngành Y tế, rất cần sự chung tay, góp sức của người dân trong tham gia phòng, chống bệnh SXH thông qua việc thực hiện các biện pháp thiết thực như: thường xuyên vệ sinh nơi ở, ngủ mùng, khơi thông cống rãnh, xử lý nơi ao tù, nước đọng, diệt lăng quăng, đậy nắp lu, phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường… góp phần hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh SXH trên địa bàn thành phố.
THANH TÙNG