Chủ Nhật, 28/10/2012, 11:55 (GMT+7)
.

Quản lý thực phẩm chức năng còn nhiều bất cập

50% người lớn tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có sử dụng thực phẩm chức năng, theo xu hướng chung của thế giới. Song hiện nay hành lang pháp lý về quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam chưa rõ ràng, dẫn đến những bất cập.

Ngày 27-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về vai trò của thực phẩm chức năng và công tác quản lý. Đây là một trong những hội nghị hiếm hoi của cơ quan quản lý bàn luận về thực phẩm chức năng.

Lần đầu tiên hội thảo bàn về thực phẩm chức năng được Bộ Y tế tổ chức, diễn ra tại Hà Nội sáng 27/10. Ảnh: N.P.
Lần đầu tiên hội thảo bàn về thực phẩm chức năng được Bộ Y tế tổ chức, diễn ra tại Hà Nội sáng 27-10. Ảnh: N.P.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: "Quản lý thực phẩm chức năng là vấn đề hết sức nóng bỏng. Vai trò của nó trong việc tăng cường sức khỏe là không thể chối cãi, quan trọng là đánh giá như thế nào cho đúng về vai trò của nó trong đời sống, nhất là với công tác chăm sóc sức khỏe".

Cũng theo ông, việc cung cấp các bằng chứng khoa học mạnh mẽ, thuyết phục về hiệu quả của thực phẩm chức năng tại nước ta vẫn còn là một khoảng trống. Một bộ phận người dân không hiểu lại coi đây là thuốc hoặc khi có bệnh mới dùng cũng không đúng.

Tại Việt Nam, thị trường thực phẩm chức năng mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Đến nay đã có 10.000 sản phẩm, trong đó nhập khẩu chiếm 40%. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, đã có thêm gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng phải nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản để quản lý cho tốt.

"Thế giới ưa chuộng thực phẩm chức năng hơn thuốc, nó giúp tăng cường sức khỏe con người, tăng cường miễn dịch, sức đề kháng, phòng bệnh. Trong cuộc sống công nghiệp hiện nay, khẩu phần ăn hằng ngày thiếu một số vi chất như: vitamin, khoáng chất... thì việc sử dụng thực phẩm chức năng là rất cần thiết nhưng cần có hướng dẫn của ngành y tế để người dân sử dụng đúng", ông Trung nói.

Khảo sát của Cục An toàn thực phẩm năm 2011 cho thấy, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có hơn 50% số người lớn sử dụng thực phẩm chức năng. Điều này cho thấy sử dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe đã trở thành xu hướng toàn cầu trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng trong nước vẫn chưa nhận thức được đúng công dụng của thực phẩm chức năng. Vì thế hoặc là họ ngại sử dụng hoặc sử dụng một cách thiếu khoa học.

Đặc biệt, một số người tự ý chọn thực phẩm chức năng để hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng lại không nắm thông tin về bệnh học và tương tác giữa thực phẩm chức năng và thuốc. Quá trình điều trị không đạt được hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe.

Theo các bác sĩ, thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị, đặc biệt là đối với bệnh mãn tính. Khi phải sử dụng thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh liều cao dài ngày, việc bổ sung thực phẩm chức năng sẽ giúp hỗ trợ cơ thể chịu tác động trực tiếp và gián tiếp trong quá trình điều trị, giảm bớt ảnh hưởng đối với gan, thận...

Hiện quy định chưa cho phép bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng. Nhiều chuyên gia y tế trong hội thảo cho rằng quy định này chưa phù hợp, có thể gây bối rối cho thầy thuốc khi cần phải hướng dẫn thực phẩm chức năng cho người thực sự có nhu cầu, nên đề xuất có những quy định hợp lý hơn.

(Theo vnexpress)

.
.
.