WHO hoan nghênh Việt Nam xử lý nghiêm việc uống rượu bia khi lái xe
Nghị định 71/2012NQ-CP của Chính phủ được công bố tuần qua đã bổ sung các quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Nghị định 34/2010-NĐ-CP) và giải quyết nhiều vấn đề an toàn đường bộ quan trọng, trong đó có tăng cường đáng kể các hình phạt đối với lái xe sau khi uống rượu bia, một yếu tố nguy cơ chính dẫn tới chấn thương đường bộ tại Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Hà Nội, WHO hoan nghênh Chính phủ Việt Nam và các cơ quan làm việc trong lĩnh vực an toàn đường bộ vì quyết tâm mạnh mẽ đảm bảo an toàn cho các tuyến đường.
Theo Tiến sĩ Takeshi Kasai, đại diện WHO tại Việt Nam, có mối quan hệ giữa rượu bia và chấn thương đường bộ và đối với đa số người lớn, một vài cốc rượu bia trong một thời gian ngắn sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng lái xe và gia tăng nguy cơ bị tai nạn dẫn đến các thương tích nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong.
“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khi được triển khai và thực thi nghiêm chỉnh, những biện pháp mới này sẽ ngăn chặn mạnh mẽ hơn việc uống rượu bia khi lái xe và lần lượt làm giảm đáng kể tỷ lệ các vụ tai nạn, chấn thương và tử vong liên quan đến rượu bia"- Tiến sĩ Takeshi Kasai nói.
Rượu là một nguyên nhân chính dẫn tới chấn thương đường bộ tại Việt Nam, với các cuộc điều tra ước tính có tới hơn 30% các ca tử vong giao thông đường bộ và 60% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt quá giới hạn cho phép.
Theo WHO, với gánh nặng như vậy thì việc giới thiệu các hình phạt mới đối với việc uống rượu bia khi lái xe là một tin tức rất đáng hoan nghênh đối với các chuyên gia về an toàn đường bộ trong nước và quốc tế.
Theo Nghị định 71 sẽ có hiệu lực trong tháng 11, hình phạt đối với các vi phạm nghiêm trọng (nồng độ cồn trong máu > 0,08g/dl máu) sẽ tăng tới 2,5 lần so với các cấp độ hiện tại. Những người lái xe ô tô trong khi say sẽ bị phạt tiền ở các mức khác nhau, từ 10 tới 15 triệu đồng, bằng khoảng một nửa thu nhập bình quân đầu người một năm.
Các hình phạt đối với người điều khiển xe máy có cùng lỗi vi phạm sẽ từ 2 đến 3 triệu đồng. Ngoài các hình phạt nặng về tài chính, tất cả những người điều khiển xe ô tô và xe máy cũng sẽ đồng thời bị tước giấy phép lái xe và tịch thu xe từ 10 đến 60 ngày.
Quan trọng hơn và làm nổi bật thêm tầm quan trọng của việc không cho những người điều khiển xe uống rượu bia tham gia giao thông, Nghị định 71 quy định rằng bất kỳ người điều khiển xe máy nào có nồng độ cồn trong máu trên 0,05g/dl sẽ bị giữ xe trong 10 ngày - một hình phạt mà trước đây chỉ áp dụng với những người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 0,08g/dl.
Dưới sự hỗ trợ của chương trình RS10, WHO và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã phát động một chiến dịch quảng bá mạnh mẽ về sự nguy hiểm và các hậu quả của việc uống rượu bia khi lái xe và sẽ được phát trên các kênh truyền hình quốc gia cho tới cuối năm 2012.
WHO khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai Nghị định 71.
HOÀNG AN
(Tổng hợp)