Thứ Tư, 14/11/2012, 12:19 (GMT+7)
.

Xuất hiện ca bệnh nghi nhiễm não mô cầu tại Tiền Giang

Đó là bệnh nhân Thái Hoàng T., nam, 54 tuổi, cư ngụ tại  ấp Bình Thọ Đông (Bình Phan, Chợ Gạo). Bệnh khởi phát lúc 23 giờ ngày 10-11-2012 với các triệu chứng: sốt, tiêu chảy 2 lần, phân không đàm máu, buồn nôn.

Biểu hiện nổi các mảng tử ban ở da.
Biểu hiện nổi các mảng tử ban ở da.

Bệnh nhân tự uống thuốc (không rõ loại) thấy bệnh không giảm; đến 12 giờ ngày 11-11-2012, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tiền Giang điều trị tại khoa Cấp cứu.

Khi vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, sốt nhẹ, không khó thở, tiêu chảy nhiều lần phân không đàm máu, mạch hơi nhanh, huyết áp giảm nhẹ. Khoa Cấp cứu chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng và cho chuyển khoa Nhiễm.

Tại khoa Nhiễm, lúc 19 giờ, bệnh nhân thở nhanh, nông, mạch nhẹ, da lạnh, huyết áp kẹp, có xuất hiện dấu xuất huyết dạng mảng, dạng ban đỏ, quanh rốn, ngực, bụng. Khám cổ mềm, không dấu mất nước.

Bệnh viện điều trị hồi sức, truyền dịch, kháng sinh tĩnh mạch, hạ sốt và cho xét nghiệm phết họng, tử ban, cấy máu. Kết quả phết họng, tử ban âm tính.
Đến 22 giờ 15 phút bệnh tỉnh, vẻ đờ, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, tử ban hình bản đồ lan nhanh có hoại tử trung tâm, huyết áp thấp.

Sau đó bệnh nhân được chuyển đi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh lúc 22 giờ 20 phút ngày 11-11-2012 với chẩn đoán: Theo dõi nhiễm trùng huyết do não mô cầu thể tối cấp, shock giờ thứ 18.

Ngay khi nghe thông tin từ BVĐK Tiền Giang, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phản hồi cho Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo triển khai các biện pháp xử lý dịch tại địa phương như: lập danh sách người tiếp xúc; hướng dẫn cho những người trực tiếp nuôi bệnh và các đối tượng tiếp xúc gần uống thuốc phòng bệnh; xử lý môi trường; tuyên truyền phòng bệnh về vệ sinh cá nhân môi trường.

Chiều ngày 12-11, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh phản hồi kết quả soi cho thấy có sự hiện diện của song cầu gram (-), hình ảnh của vi khuẩn gây bệnh não mô cầu; còn chờ kết quả cấy máu để khẳng định chẩn đoán.

Hiện tại bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

BS. CKII TRẦN THANH THẢO

Thông tin thêm về bệnh não mô cầu

Bệnh não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là Meningococcus) gây ra. Đây là loại cầu khuẩn Gram âm, xếp dạng song cầu, với bệnh cảnh chính là viêm màng não, nên người ta gọi là bệnh não mô cầu.

Bệnh não mô cầu có thể gây nên các vụ dịch lớn. Vi khuẩn não mô cầu cư trú tại vùng họng, mũi của người bệnh và lây truyền qua đường hô hấp. 10-20% người khỏe mạnh có vi khuẩn này trong dịch hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh (gọi là người lành mang trùng).

Bệnh lây trực tiếp do tiếp xúc gần (như ho, hắt hơi, hôn) hoặc gián tiếp qua trung gian đồ dùng chung có dính chất tiết từ đường hô hấp của người lành mang trùng. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em 5-15 tuổi. Bệnh gia tăng khi thời tiết thay đổi, chủ yếu vào mùa đông xuân và lây lan mạnh tại những nơi tập trung đông người.

Triệu chứng chính của bệnh là: sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, lơ mơ, nếu nặng hơn có thể hôn mê và shock nhiễm trùng; da có nhiều mảng xuất huyết gồm những nốt thâm tím, đỏ, nhiều kích thước khác nhau, hình loang lổ như ban đỏ, có hoại tử trung tâm (người dân có thể nhầm với bệnh sốt xuất huyết).

Người bệnh có thể chỉ bị viêm họng và có thể tự khỏi nếu như bệnh nhẹ, không biến chứng. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm màng não (chiếm đa số các trường hợp) hoặc bị nhiễm trùng huyết.

Biến chứng bao gồm các biến chứng thần kinh như: điếc, liệt, động kinh hoặc biến chứng toàn thân như shock nhiễm trùng, suy đa phủ tạng. Tỷ lệ tử vong từ 10-50% khi bệnh nặng. Phải điều trị thật sớm bằng kháng sinh để vừa ngăn chặn bệnh tiến triển, vừa tránh các biến chứng nguy hiểm.

Để phòng ngừa bệnh, ngành Y tế khuyến cáo mọi người thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng (bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường), thực hiện tốt vệ sinh nơi ở như tạo thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ trên 2 tuổi.

Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, xuất huyết, ho, đau họng, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị; khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh cần thông tin cho ngành Y tế tại cơ sở để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.

 

.
.
.