Thứ Bảy, 08/12/2012, 03:29 (GMT+7)
.

Kỳ thị và xóa bỏ kỳ thị đối người nhiễm HIV

Theo nhận định của các chuyên gia sức khỏe, hành động kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là một trong những nguyên nhân chính đẩy người nhiễm HIV rơi vào con đường tuyệt vọng. Sự kỳ thị không chỉ làm người bệnh mất niềm tin vào cuộc sống, mà còn làm căn bệnh này ngày càng lây lan rộng.

Trong 10 tháng của năm 2012, toàn tỉnh đã phát hiện 249 trường hợp mới nhiễm HIV. Trong đó có 147 ca lây qua quan hệ tình dục (chiếm 59%); 100 trường hợp lây qua đường máu, chủ yếu do tiêm chích ma túy (chiếm 40,2%) và 2 ca trẻ bị nhiễm do mẹ truyền HIV sang (chiếm 0,8%).

Ví dụ về sự kỳ thị

Công tác tuyên truyền và các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS đã góp phần giúp cộng đồng hiểu rõ về bệnh AIDS và thông cảm với nỗi đau của những người có HIV.

Tuy nhiên, bên cạnh sự cảm thông, chia sẻ, vẫn còn không ít người xa lánh, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Theo BS. Nguyễn Khánh Hòa Đồng, Phó Giám đốc Dự án Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, sự kỳ thị của cộng đồng vẫn là một nguyên nhân chính khiến cho người bệnh lẩn trốn, không hợp tác với cán bộ chuyên trách cũng như từ chối mọi dịch vụ y tế khác.

+ Các biểu hiện của kỳ thị:

- Xa lánh: Tránh gần gũi, đụng chạm, sử dụng đồ dùng chung

- Từ chối: Mất chỗ ở, mất việc làm, học tập, bị đùn đẩy khi khám, chữa bệnh...

- Cô lập: Ở riêng trong gia đình, khu riêng trong bệnh viện...; sự bàn tán, nói xấu của cộng đồng, mất dần vị trí trong gia đình và xã hội; mất khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho cuộc sống: nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe...

- Tự kỳ thị: Mặc cảm tội lỗi, tự ti, mất tự tin và tự cô lập; chán nản, tuyệt vọng trong cuộc sống và mọi mối quan hệ; từ bỏ các ước muốn của cuộc sống: việc làm, thăng tiến nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình...

- Kỳ thị thứ cấp: Người bị kỳ thị là gia đình, bạn bè, người chăm sóc, biểu hiện của kỳ thị như đối với người nhiễm.

Đơn cử một vài trường hợp minh chứng cho hành động kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV. Tại huyện Cái Bè, anh N.T.T. sau khi phát hiện nhiễm HIV đã bị người vợ âm thầm bỏ đi tức khắc. Còn láng giềng sợ anh T. đến nỗi làm hàng rào để ngăn cách và đáng buồn hơn là có người đã lén lút đốt nhà anh vào ban đêm.

Quá tuyệt vọng, anh T. đành phải bỏ đi nơi khác và hành nghề chạy xe “Honda ôm” để kiếm sống. Sau đó, với sự tư vấn và động viên của cán bộ y tế, anh T. đã xóa được mặc cảm, tham gia Nhóm Đồng đẳng với hy vọng đóng góp sức mình cho cuộc chiến với căn bệnh AIDS.

Hay trường hợp của chị D.T.N. (ngụ thị trấn Chợ Gạo) đã bị mất việc làm, nhiều người xa lánh vì chồng bị nhiễm HIV, mặc dù kết quả xét nghiệm của chị là không bị nhiễm. Khi biết tin người chồng bị nhiễm HIV và qua đời, chị N. đã đi xét nghiệm theo lời động viên của cán bộ y tế.

Trong khi chờ kết quả, tin đồn “chị N. bị AIDS!” lan nhanh, mọi người ở khu phố chị ở bắt đầu xa lánh đến nỗi không dám đến gần chị, thậm chí chủ vựa tro ở Long Bình Điền (nơi chị làm mướn) cho chị nghỉ việc. Sau 3 lần xét nghiệm, kết quả là chị N. không bị nhiễm HIV. Chị may mắn được các cơ quan ở địa phương hỗ trợ, giúp đỡ nên một HTX đã nhận chị vào làm việc. Hiện cuộc sống của chị và 3 đứa con tương đối ổn định….

Với 1.099 trường hợp chuyển sang AIDS, trong đó 705 trường hợp đã tử vong, toàn tỉnh có 394 trường hợp chuyển AIDS hiện còn sống và đây cũng chính là những người bắt buộc được điều trị thuốc ARV.

Điều đáng quan tâm là số ca xét nghiệm HIV dương tính trên đối tượng bệnh nhân lao, bệnh nhân nhập viện có biểu hiện nghi ngờ mắc AIDS gia tăng qua từng năm. Điều đó cho thấy HIV/AIDS đã lây lan âm thầm trong cộng đồng, nhưng chỉ phát hiện khi đã chuyển AIDS.

Làm sao xóa sự kỳ thị?

Bác sĩ Võ Thị Chín, Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Dự án Phòng, chống HIV/AIDS Tiền Giang nhận định: Nguồn gốc và nguyên nhân của kỳ thị là do thiếu hiểu biết sâu về AIDS, nhất là sự lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường.

Hầu hết mọi người đều có thể nói rõ 3 con đường lây nhiễm HIV, tuy nhiên sự hiểu đó cũng chỉ ở mức độ chung chung nên trong lòng vẫn cứ lo, không biết khi ăn uống chung… có bị lây không. Việc kỳ thị này làm người nhiễm và gia đình sợ bị tiết lộ thông tin về tình trạng nhiễm HIV; người có nguy cơ nhiễm HIV không dám xét nghiệm; người nhiễm không dám áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người khác vì sợ bị phát hiện.

Sự lo lắng bị kỳ thị cũng khiến các gia đình có người nhiễm HIV ngại chia sẻ thông tin. Thực tế này làm giảm hiệu quả điều trị bệnh và tăng nguy cơ lây nhiễm.

Hiện nay, đồng hành với những người nhiễm HIV chủ yếu là những cán bộ y tế tham gia tư vấn, điều trị tại các phòng khám ngoại khoa hoặc một số ít đồng đẳng viên của các CLB hoạt động dưới sự tài trợ của các dự án.

Hiện huyện Cai Lậy và Gò Công Tây có 2 CLB Hoa Hướng Dương, Niềm tin là chỗ dựa cho một số ít người nhiễm HIV của 2 địa phương này. Thành viên các CLB đến những ấp có người nhiễm HIV/AIDS tuyên truyền, lồng ghép truyền thông nhóm, giúp họ xóa đi phần nào mặc cảm để tiếp tục sống.

Đơn cử như trường hợp chị L. (xã Thành Công), chị Th. (xã Long Bình), anh H. (thị trấn Vĩnh Bình) đã bị gia đình, cộng đồng ruồng rẫy, xa lánh khi biết họ bị nhiễm HIV. Gia nhập CLB, họ đã được gia đình đối xử tốt hơn nhờ sự kiên trì giải thích của Ban Chủ nhiệm CLB...

ThS - BS Lê Mạnh Hùng (Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh) đã nhấn mạnh: Nếu người nhiễm HIV được tạo điều kiện để sinh sống, làm việc bình thường và hòa nhập cộng đồng thì thời gian sống khỏe mạnh, có ích của người nhiễm sẽ được kéo dài và làm hạn chế sự lây truyền HIV từ họ ra cộng đồng.

Muốn vậy, việc tuyên truyền chống kỳ thị phân biệt đối xử với người bệnh phải được đặt lên hàng đầu; đồng thời tăng cường các hoạt động chăm sóc và điều trị; tạo điều kiện cho người nhiễm tham gia các hoạt động xã hội để làm thay đổi hình ảnh của họ…

Hiện nay, hệ thống tổ chức cơ quan phòng, chống HIV/AIDS từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện từng bước được củng cố, nâng chất hoạt động và  công tác điều trị được triển khai rộng, giúp người nhiễm HIV/AIDS mạnh dạn bộc lộ để được điều trị.

Đặc biệt, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần làm giảm bớt sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS. Có như vậy, căn bệnh thế kỷ này mới có thể được ngăn chặn sự lây lan.

            NGUYỄN HỮU

 

.
.
.