Thứ Sáu, 07/12/2012, 12:40 (GMT+7)
.

Mất cân bằng giới tính - không dừng lại ở mức báo động

Thực tế hiện nay, bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa nam và nữ vẫn còn bất cập. Sự phân biệt, đối xử về giới dẫn đến hệ lụy là tình trạng “nam thừa nữ thiếu” -  mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Vấn đề này không chỉ diễn ra ở một quốc gia mà còn có tính toàn cầu, vì vậy không chỉ dừng lại ở mức báo động…

THỰC TRẠNG

Theo tự nhiên, tỷ số giới tính khi sinh là 103-106 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh là số bé trai sinh ra lớn hơn 107/100 bé gái. Ở nước ta MCBGTKS xảy ra từ năm 2006 (109 trai/100 gái) nhưng tốc độ tăng rất nhanh; 9 tháng đầu năm 2012, tỷ số giới tính khi sinh là 112,6 bé trai/100 gái. MCBGTKS ở Việt Nam diễn ra muộn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng nó được ví như “cơn lũ” bởi tốc độ gia tăng nhanh.

Tại Tiền Giang trong 5 năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh từ 110-117 bé trai/100 bé gái, tức là đã ở trên mức bình quân của cả nước; 9 tháng đầu năm 2012, tỷ số giới tính khi sinh là 113,6 trai/100 gái.

Điều đáng lo ngại là tình trạng MCBGTKS đang diễn ra trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc phải “nhập khẩu” cô dâu từ Việt Nam, vì vậy chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn nhiều so với các nước có tình trạng tương tự.

MCBGTKS đang là thách thức cho toàn xã hội. Do tính chất quan trọng của vấn đề nên ngày 3-11-2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội thảo Quốc gia về MCBGTKS tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND, lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành cả nước; các bộ, ngành trung ương và các tổ chức quốc tế để bàn các giải pháp giảm thiểu MCBGTKS. Hội thảo đã nêu 3 nguyên nhân đưa đến tình trạng trên:

Nguyên nhân cơ bản: Gia đình quy mô nhỏ, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con; tâm lý trọng nam, khinh nữ; có nam để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ… đã tạo áp lực có con trai bằng mọi giá.

Nguyên nhân phụ trợ: Các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. Những tiến bộ trong y học, nhất là các kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh và cơ hội tiếp cận ngày càng dễ dàng đã góp phần làm gia tăng MCBGTKS.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sự gia tăng của MCBGTKS trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại. Tình trạng này về lâu dài sẽ tác động không tốt tới sự phát triển của đất nước, là thách thức cho toàn xã hội.

Tỷ số giới tính khi sinh bình thường là một trong những biểu hiện quan trọng để đánh giá mức tiến bộ của bình đẳng giới trong xã hội.

Nguyên nhân trực tiếp: Lạm dụng những tiến bộ khoa học, y học để lựa chọn giới tính trước sinh: trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn…), trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y…) sau khi đã có thai (siêu âm, bắt mạch, chọc hút xét nghiệm dịch ối…) để tạo giới tính thai nhi, xác định giới tính thai nhi, phá thai chọn lọc giới tính (trai thì giữ, gái thì nạo - phá).

Trong khi đó, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số năm 2003, Nghị định 114 năm 2006 và Nghị định 55 năm 2009 của Chính phủ đều có quy định nghiêm cấm và xử phạt hành vi lựa chọn giới tính thai nhi nhưng các quy định này chưa được thực hiện nghiêm. Luật Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe nhân dân cho phép phụ nữ được nạo, phá thai theo nguyện vọng nên một số gia đình phá bỏ thai khi thai nhi là gái đã khiến MCBGTKS ngày càng tăng.

HỆ LỤY NẶNG NỀ CHO TƯƠNG LAI

Bà Guilmoto, chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, có 14 nước khu vực châu Á nằm trong tình trạng MCBGTKS. Điều này đã khiến sự “thiếu hụt” phụ nữ và trẻ em gái tăng từ 66 triệu vào năm 1950 tăng lên 117 triệu tại thời điểm hiện nay; và có tới 7,7% phụ nữ dưới 20 tuổi đang thiếu hụt tại các nước có tình trạng phân biệt giới tính.

Nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỷ số giới tính khi sinh của nước ta tiếp tục tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì cho đến năm 2050. Các chuyên gia quốc tế đã tính toán với tỷ số giới tính khi sinh như hiện nay thì đến năm 2020 nước ta có khoảng 700.000 đàn ông trong độ tuổi 15-49 “dư thừa” và đến năm 2050 là khoảng 3 triệu người.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã phải nhập khẩu “cô dâu”. Và phần lớn trong số hàng chục ngàn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trong thời gian qua đã trở thành cô dâu ở các nước và vùng lãnh thổ nói trên. Theo dự báo lạc quan nhất thì cũng có tới hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ phải chịu đựng cuộc sống độc thân, đơn côi suốt đời. Hậu quả về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, an ninh và an sinh xã hội… chắc chắn sẽ nặng nề.

MCBGTKS không những không cải thiện vị thế của phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới. Xã hội sẽ đối diện với những dự báo thiếu lạc quan: Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm gia tăng, hôn nhân vụ lợi và tội phạm tình dục...

ĐI TÌM GIẢI PHÁP

Giải quyết vấn đề MCBGTKS là khó nhưng không phải không làm được. Tất nhiên, để thực hiện có hiệu quả thì không thể một sớm một chiều và không thể bằng một biện pháp đơn lẻ nào. Giải pháp quan trọng cần kể đến trước nhất là tuyên truyền vận động thay đổi hành vi của cộng đồng, cùng với đó là việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước bằng các biện pháp hành chính. Giảm thiểu MCBGTKS là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành Y tế, ngành Dân số mà đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, một trong số các giải pháp là đưa vấn đề giáo dục giới tính vào nhà trường, để các em có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới. Cần thiết phải có sự tham gia của các đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên.

Giải pháp giáo dục gia đình về chức năng, trách nhiệm chung của cha mẹ vì lợi ích con cái, không phân biệt đối xử với con gái - con trai; truyền thông cho mọi đối tượng, trong đó tập trung vào những cặp vợ chồng trẻ, vợ chồng đã có 2 con một bề là con gái.

Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu chấp hành tốt trong gia đình, rồi dần thuyết phục, vận động người thân, dòng họ và mọi người dân trong cộng đồng làm theo.

Quan tâm chăm sóc, có chế độ an sinh tốt cho người cao tuổi cũng là một giải pháp góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tình trạng bất bình đẳng giới. Vì khi đó nỗi lo “khi về già biết nhờ cậy ai?” sẽ được giải tỏa; người dân sẽ coi con gái cũng như con trai, tâm lý “trọng nam khinh nữ” sẽ dần được xóa bỏ...

THU THỦY - THÀNH SANG

.
.
.