Thứ Bảy, 08/12/2012, 04:12 (GMT+7)
.

Phòng, chống AIDS toàn cầu: Hướng tới mục tiêu “3 không”

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chọn chủ đề chung cho Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011 - 2015 là “Geting to zero” có nghĩa là Hướng tới mục tiêu “3 không”: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.

Tầm nhìn “3 không” đã được Tổng Thư ký LHQ công bố chính thức tại Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ về HIV/AIDS vào tháng 6-2011. Các mục tiêu cụ thể của tầm nhìn này bao gồm:

Mít tinh phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: HỮU THỌ
Mít tinh phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: HỮU THỌ

* Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV: 

- Giảm 50% ca mới nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm;

- Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS;

- Giảm 50% ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy vào năm 2015 và tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.

* Hướng tới không còn người tử vong do AIDS:

- Tất cả người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị đều được tiếp cận thuốc kháng vi rút (ARV);

- Giảm 50% ca tử vong do Lao ở những người nhiễm HIV/AIDS vào năm 2015;

- Những người bị nhiễm HIV và gia đình của họ đều được quan tâm đề cập trong các chiến lược quốc gia về bảo vệ con người và có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ thiết yếu.

* Hướng tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử:

- Đến năm 2015 làm giảm 50% số quốc gia có quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú;

- Không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS.

Theo báo cáo của LHQ, các trường hợp mới nhiễm HIV trên thế giới có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, ở một số vùng trên thế giới, dịch vẫn có xu hướng gia tăng. Hiểu biết của người dân về HIV còn hạn chế, nhận thức và kiến thức về HIV thấp sẽ tiếp tục là những thách thức toàn cầu trong những năm tới trong việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV.

Các báo cáo cũng cho thấy, các ca nhiễm mới HIV ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tập trung trong các nhóm chính có nguy cơ lây nhiễm cao gồm: Những người tiêm chích ma túy; người mua và bán dâm; nam có quan hệ tình dục đồng giới, bao gồm cả những người chuyển giới.

Riêng ở Việt Nam, dịch HIV/AIDS  đã bị kềm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 3 - 4 năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta với một số xu hướng thay đổi đáng lưu ý như: Gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai.

Đến nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn hơn 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị vẫn chưa tiếp cận được với  thuốc ARV có ý nghĩa sống còn với họ. Tại Việt Nam, số người được điều trị ARV đã tăng 18 lần và số người chết liên quan đến AIDS đã giảm nhanh trong vòng 5 - 6 năm qua.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, vẫn còn hơn một nửa số người lớn nhiễm HIV/AIDS có nhu cầu nhưng vẫn chưa được tiếp cận điều trị với thuốc kháng virút.

Kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao, những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS như là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động... đã được pháp luật Việt Nam quy định.

Từ những vấn đề trên, Việt Nam tiếp tục tập trung vào chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” trong Tháng Chiến dịch truyền thông nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12) năm nay.

Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1-12 hàng năm mang thông điệp tập hợp mọi người từ khắp nơi trên thế giới nâng cao nhận thức về HIV/AIDS và thể hiện sự đoàn kết quốc tế trong diễn biến của đại dịch.

Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay cũng là một cơ hội cho các Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tư nhân… truyền bá nhận thức về tình trạng của đại dịch và khuyến khích sự đầu tư hơn nữa cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là cho công tác chăm sóc và điều trị ở các nước có tỷ lệ nhiễm HIV cao.

Năm 2012, Chiến dịch Truyền thông Ngày Thế giới phòng, chống AIDS nhấn mạnh thông điệp “Hướng tới không còn người tử vong do AIDS” như một lời kêu gọi các chính phủ phải hành động ngay trong việc thúc đẩy quá trình hướng tới việc tiếp cận phổ cập dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cho tất cả người nhiễm, tiến tới chấm dứt dịch HIV trên toàn cầu, để hoàn thành Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ số 6, cụ thể là ngăn chặn và bắt đầu đẩy lùi lây lan của HIV vào năm 2015.

Thực trạng, thách thức về HIV/AIDS ở Tiền Giang
 

Tại Tiền Giang, trong 10 tháng của năm nay đã phát hiện 249 trường hợp mới nhiễm HIV. Trong đó có 147 ca lây qua quan hệ tình dục (chiếm 59%); 100 ca lây qua đường máu, chủ yếu do tiêm chích ma túy (chiếm 40,2%); 2 ca trẻ bị nhiễm do mẹ truyền HIV sang (chiếm 0,8%).

Để đạt các mục tiêu trên vào năm 2015, dù với nguồn lực hiện tại chúng ta chưa thể xác định được trường hợp nào mới nhiễm hoặc đã nhiễm HIV từ trước đó, nhưng tối thiểu phải có bằng chứng cho thấy chúng ta giảm số ca mới phát hiện nhiễm hàng trăm trường hợp mỗi năm và không còn trường hợp trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Tuy nhiên, số trường hợp phát hiện nhiễm HIV trong năm 2011 là 302 ca, tăng 46 ca so với năm 2010; dự báo số trường hợp phát hiện nhiễm HIV trong năm 2012 là 300 ca, không giảm so với năm 2011.

Trong 10 tháng của năm 2012, Tiền Giang đã có 46 trường hợp tử vong do AIDS. Số người tử vong do AIDS trong năm 2011 là 68 ca, giảm 12 ca so với năm 2010.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Tiền Giang, hiện đã phát hiện 1.863 người trong tỉnh nhiễm HIV, tử vong do AIDS 705 người. Tại phòng khám ngoại trú của Trung tâm, hàng tháng khám và điều trị cho hơn 500 người nhiễm HIV/AIDS trong tỉnh và có khoảng 400 người Tiền Giang được khám và điều trị tại các phòng khám ngoại trú ở TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Long An... Ước tính còn khoảng 20% người nhiễm HIV chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Với 1.099 trường hợp người trong tỉnh chuyển AIDS, trong đó 705 trường hợp đã tử vong, Tiền Giang hiện có 394 trường hợp chuyển AIDS hiện còn sống và đây cũng chính là những người bắt buộc phải được điều trị thuốc ARV.

Tại phòng khám ngoại trú của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Tiền Giang hiện đang điều trị thuốc kháng virus (ARV) cho 491 bệnh nhân AIDS, trong đó có 361 người trong tỉnh và 130 người ngoài tỉnh. Hiện tại, có khoảng 90% người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị được tiếp cận thuốc kháng vi rút, phấn đấu 100% người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị được tiếp cận thuốc kháng vi rút vào năm 2015 tại Tiền Giang.

Như vậy, so với mục tiêu đề ra đến năm 2015 không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS, không còn kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS vẫn còn là một thách thức lớn, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực hơn nữa của cả cộng đồng.
 

TS-BS. TRẦN THỊ THỦY HÀ
(Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Tiền Giang)

.
.
.