Thứ Hai, 11/02/2013, 12:14 (GMT+7)
.

Ngày Tết, cảnh giác với ngộ độc rượu

            Không nên uống rượu trên 30 độ và uống vừa phải. Ảnh: dangcongsan.vn
Không nên uống rượu trên 30 độ và uống vừa phải. Ảnh: dangcongsan.vn

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người vì vui quá mà uống quá chén, uống không có điểm dừng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc số người bị ngộ độc rượu sẽ tăng cao hơn. Người bị ngộ độc rượu nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2012 cả nước đã có gần 170 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 5.400 người mắc, trong đó có 33 người tử vong số người tử do ngộ độc rượu chiếm tới 26%. Thông thường, trong và sau Tết Nguyên đán tới mọi người sẽ uống rượu nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, rượu giả thường được làm bằng các loại cồn công nghiệp không rõ nguồn gốc hoặc có pha phẩm màu công nghiệp. Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị ngộ độc do rượu pha methanol xuất hiện nhiều. Đáng lo ngại, ngộ độc methanol là một dạng ngộ độc rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
 
Điều đáng nói là, có không ít trường hợp bị ngộ độc rượu không được xử trí kịp thời đã dẫn đến những biến chứng hôn mê sâu, thậm chí tử vong…

Theo đó, ngộ độc cấp tính có những biểu hiện như: Giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người thấy sảng khoái, nói nhiều, các vận động phối hợp đã bị rối loạn). Giai đoạn ức chế biểu hiện: Phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng.

Giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tử vong. Ngộ độc mạn tính là do uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.
 
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi ai có biểu hiện say rượu, người nhà cần chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tìm cách để người bệnh nôn hết. Trước hết, cần cho người say uống một lượng nước ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi.

Sau đó xát mạnh hai bên má rồi cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt bệnh nhân nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Tiếp đến, cho người say rượu uống sữa nóng, hay trà đặc, cốc nước tranh tươi pha kèm một chút muối hoặc ăn cháo.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện co giật, thở không đều, loạn nhịp tim... là trường hợp bị ngộ độc rượu nặng thì phải đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu, điều trị kịp thời nếu không người bệnh dễ tử vong, hoặc họ không bị tử vong thì cũng sẽ bị suy thận, hay các di chứng khác suốt đời…
 
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, mọi người tuyệt đối không uống rượu lúc đói. Khi uống thì nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và không uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ ngày. Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét.

H.AN

(Tổng hợp)
 

.
.
.