Những phương pháp giúp bạn chăm sóc đôi mắt cận
![]() |
Ảnh minh họa (Vietnam+). |
Bệnh cận thị thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính là di truyền hoặc môi trường sống. Theo các bác sĩ chuyên khoa, không phải cứ bị cận là phải đeo kính. Nếu bạn mới bị cận ở mức dưới 0,75 độ thì không cần phải mang kính thường xuyên, còn ở ngưỡng 1 – 2 độ thì chỉ nên đeo khi cần nhìn mọi vật ở tầm xa để hạn chế sự điều tiết của mắt quá lớn. Việc đeo kính như thế nào thì cần phải có sự tư vấn của bác sĩ và được đo khám đầy đủ.
Khi không phải làm việc hoặc chỉ làm những việc đơn giản, nên tháo mắt kinh và để cho mắt được thư giãn. Nếu cứ đeo kính liên tục cả ngày, lâu dần thành thói quen, mắt chúng ta sẽ phải lệ thuộc vào kính, dù là nhìn các vật ở cự ly gần đi nữa.
Với đôi mắt sau phẫu thuật, cần lưu ý những lúc ngồi trước máy tính hay tivi nên giữ một khoảng cách nhất định. Tư thế ngồi chính diện đối với màn hình. Không để máy tính hay màn hình tivi cao hoặc thấp hơn so với tầm mắt của mình. Ánh sáng cũng là một điều rất quan trọng trong sự điều tiết của mắt. Việc để ánh sáng phản chiếu trực tiếp vào mắt hay tối quá cũng là có hại.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, cứ 30 phút nên để mắt nghỉ ngơi một lần. Bạn có thể nhắm mắt, tránh nhìn vào màn hình tivi, máy tính hoặc đứng dậy, đi đi lại lại. Những lúc mắt nhức mỏi, hãy dừng công việc và thực hiện một vài bài tập nho nhỏ để giảm bớt mệt mỏi cho mắt.
Khi thức khuya thường xuyên, mắt sẽ phải chịu cường độ làm việc nhiều hơn, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, khô mắt. Vì thế, tuân thủ thời gian làm việc, nghỉ ngơi đúng quy định là một điều rất quan trọng. Ngoài ra, cần đi khám mắt định kỳ hàng năm để được chuẩn đoán và xác định được tình trạng hiện tại của mắt.
Ngoài những biện pháp phòng và hạn chế trong sinh hoạt lẫn làm việc, chúng ta cần bổ sung thêm một vài thực phẩm có lợi để tăng cường sức đề kháng, giúp đôi mắt thêm khỏe mạnh hơn. Đó là:
+ Vitamin A, có trong lòng đỏ trứng gà, các loại sữa, gan động vật hay một số loại rau củ quả như mồng tơi, rau dền, bù ngót, cà chua, dưa hấu, gấc, đu đủ, xoài, cà rốt, bí đỏ.
+ Kẽm, có trong các loại sò, thịt bò, thịt gà, các loại đậu, lòng đỏ trứng;
+ Vitamin B1, B2 có trong các loại thực phẩm như thịt nạc hoặc nội tạng bò, gà, các loại đậu, rau sậm màu, sữa, trứng
+ Crom, có nhiều trong men bia, gan bò, lòng đỏ trứng, các loại nấm, ngũ cốc, nước ép nho…
+ Selen, có trong các loại cá biển, tôm, cua, ốc, hến, đậu tương, các loại hạt, hành tây, tỏi ớt…
H.AN
(Tổng hợp)