Chủ Nhật, 10/02/2013, 07:24 (GMT+7)
.

Phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm dịp Tết

Để tránh ngộ độc thực phẩm người dân cần chú ý khâu bảo quản. Ảnh: icook.vn
Để tránh ngộ độc thực phẩm người dân cần chú ý khâu bảo quản. Ảnh: icook.vn

Những ngày Tết cổ truyền, nhu cầu sử dụng thực phẩm tại gia đình càng nhiều. Do vậy, người dân hết sức chú trọng việc chọn lựa và chế biến thực phẩm để tránh ngộ độc.
 
Tiến sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám-Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý người dân để tránh ngộ độc thực phẩm cần chú ý khâu bảo quản. Đây là vấn đề cần ưu tiên, quan tâm hàng đầu trong những ngày Tết.

Theo phong tục, người dân thường có thói quen luôn dự trữ thực phẩm để ăn trong 3-4 ngày Tết. Theo bà Hải, ngay cả với những gia đình có tủ lạnh, nếu không biết cách bảo quản đúng, sẽ vẫn  kém tươi ngon hoặc vẫn phát sinh ôi thiu, vi trùng gây bệnh rất nguy hiểm cho người dùng. Vì thế, người dân nên hạn chế việc dự trữ thực phẩm.
 
Đồ chưa chế biến bảo quản trong tủ nên được chia sẵn theo từng bữa/món, để riêng trong hộp hoặc bao bảo quản thức ăn, để trong ngăn đá. Nên để riêng rẽ từng loại thực phẩm: gia cầm, gia súc, hải sản, thủy sản ở từng góc/ngăn riêng biệt.
 
Với đồ chế biến sẵn, cũng cần chia vào hộp, bát riêng. Ăn đến đâu đem làm nóng lại đến đó. Không để một nồi to, múc ra đổ vào, nấu đi nấu lại.
 
Với những nhà không dùng tủ lạnh thì không nên tích trữ thực phẩm nhiều vì hiện nay, ngày mùng 1, mùng 2 Tết chợ đã họp.
 
Tại nhiều tỉnh do Tết thường trùng với kiểu thời tiết lạnh, nhiệt độ ở các tỉnh miền núi phía Bắc xuống thấp. Thực phẩm nấu chín có thể vẫn bảo quản được 2-3 ngày, nhưng khi ăn cần lưu ý phải nấu sôi lại thật kỹ.

Theo các chuyên gia về thực phẩm, để khỏi bị nhiễm độc, tốt nhất người tiêu dùng nên ra chợ tự mua thực phẩm, chọn những loại thực phẩm như (cá, tôm, gà, vịt...) đang còn sống, cử động được, đã qua kiểm dịch. Còn đối với các sản phẩm như bánh, mứt, kẹo... thì nên mua của những cơ sở, hãng sản xuất có uy tín.
 
Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì người dân nên lựa chọn mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng.
 
Giáo sư Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam khuyến cáo người dân khi nghi ngờ người trong gia đình ngộ độc thực phẩm thì ngưng ngay thức ăn, đồ uống đó. Giữ toàn bộ thức ăn, đồ uống còn lại, kể cả chất nôn, phân, nước tiểu… để cơ quan y tế xét nghiệm, tìm nguyên nhân.
 
Khi bị ngộ độc, người dân nên loại trừ lập tức độc tố ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn như ngoáy ngón tay trong cổ họng, cho uống nước muối. Bên cạnh đó, người dân cần rửa dạ dày bằng nước ấm, nước muối sinh lý càng sớm càng tốt (trước 6 tiếng), sau đó nhanh chóng đưa người nhà đến cơ sở y tế gần nhất.

HOÀNG AN

(Tổng hợp)

.
.
.