Thứ Bảy, 23/03/2013, 06:30 (GMT+7)
.

Thông điệp và hành động nhân ngày Thế giới chống Lao (24-3)

Từ năm 1993, Ngày Thế giới chống Lao (24- 3) đã chính thức trở thành ngày của Liên Hiệp quốc. Các sự kiện diễn ra hàng năm ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu nhằm nhắc nhở nhân loại về sự hiện hữu của bệnh Lao và các hiểm họa của nó đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc phòng, chống bệnh Lao ở mỗi quốc gia.

“Vì một Việt Nam không còn bệnh lao” là chủ đề của Ngày Thế giới chống Lao năm nay, nhằm tiến tới thanh toán bệnh Lao ở Việt Nam vào năm 2030. Trong khi đó, năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới phát đi thông điệp kêu gọi “Chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn bệnh Lao, để trẻ em sinh ra trong thế kỷ này được chứng kiến một thế giới không có người mắc và không có người chết vì bệnh Lao. Mọi người hãy hành động để  phòng, chống bệnh Lao”.

Hiện nay, nước ta đang đứng hàng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân Lao nhiều nhất thế giới và xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh Lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 200 ngàn người mắc bệnh Lao và trên 30 ngàn người chết do bệnh Lao. Trong khi đó, chúng ta mới phát hiện và chữa khỏi bệnh được gần 60% số người mới mắc bệnh Lao trong cộng đồng.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa kéo theo sự ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí cùng với nhà ở chật hẹp, thiếu ánh sáng và sự lưu thông không khí không đảm bảo là cơ hội thuận lợi cho sự tồn tại và lan truyền trực khuẩn Lao. Lao là một bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. Vì vậy, hoạt động phòng, chống Lao cần được đẩy mạnh để từng bước ngăn chặn và tiến tới thanh toán bệnh Lao trong cộng đồng vào năm 2030.

Chương trình Chống Lao đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đó là việc quản lý bệnh nhân Lao đa kháng thuốc, bệnh nhân Lao ở người nhiễm HIV, bệnh nhân Lao ở trẻ em, thách thức đặc biệt hiện nay là thiếu nguồn nhân lực làm công tác chống lao và thiếu kinh phí hoạt động.

Để công tác phòng, chống bệnh Lao tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền, sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể người dân trong cộng đồng. Đó là sự chia sẻ trách nhiệm đầu tư nguồn lực của từng địa phương để bù đắp sự thiếu hụt kinh phí trong kế hoạch phòng, chống bệnh Lao do Chương trình Chống Lao tỉnh đề xuất và đội ngũ làm công tác chống bệnh Lao ở địa phương phải được hưởng đầy đủ các chế độ do Nhà nước quy định.

Mặt khác, Chương trình Chống Lao phải kiện toàn mạng lưới, cán bộ chống Lao phải được đào tạo có chất lượng, mọi hoạt động của chương trình phải được tuân thủ đúng nguyên tắc, đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông giáo dục sức khỏe  là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết của người dân về bệnh Lao…

BS TRƯƠNG VĂN HÀ

.
.
.