Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm
Ngày 11-4, UBND tỉnh ban hành Công văn 1421/UBND-NN về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Theo đó, để chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm phát sinh tại Tiền Giang, góp phần giữ vững và phát triển chăn nuôi gia cầm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công tập trung thực hiện một số công việc sau:
![]() |
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh |
UBND các huyện, TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công: Chỉ đạo chính quyền cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức giám sát dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch phát sinh; tổ chức thống kê lại đối tượng, số lượng gia cầm đang nuôi (kể cả một số loài chim như: chim trĩ, chim cút, gà sao, gà ri…); tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, khu vực buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, vùng nguy cơ cao; đặc biệt là các xã giáp ranh tỉnh bạn và các xã đã xảy ra dịch năm 2012.
Thời gian thực hiện từ ngày 15-4 đến 22-4-2013; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm; xác định nhiệm vụ tiêm phòng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; tổ chức lực lượng thường trực, công khai số điện thoại liên hệ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch; bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động đối phó khi có dịch xảy ra.
Sở NN&PTNT: Phối hợp cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tích cực hưởng ứng các biện pháp phòng, chống dịch.
Vận động người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn gia cầm và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đặc biệt đối với các đối tượng chưa có vắc xin phòng bệnh như: chim trĩ, chim cút, gà sao, gà ri… và chủ động khai báo dịch kịp thời, tuyệt đối không giấu dịch;
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát tình hình dịch tễ trên địa bàn, phối hợp cùng UBND cấp huyện triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm (gà, vịt, vịt xiêm) đạt tỷ lệ cao;
Dự trù và cung ứng kịp thời vắc xin, thuốc sát trùng để Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi các cấp triển khai kế hoạch đạt hiệu quả; hướng dẫn trang bị bảo hộ cá nhân, kỹ thuật tiêm phòng, tiêu độc khử trùng cho lực lượng trực tiếp tham gia.
Sở Y tế: Tăng cường giám sát dịch cúm gia cầm đến tận hộ dân, nếu phát hiện các trường hợp bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A/H5N1, cách ly điều trị kịp thời không để dịch lây lan ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe cộng đồng.
Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tham gia kiểm soát vận chuyển, lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm. Phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm không đúng quy định, không có nguồn gốc rõ ràng.
Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng trong ngành tham gia tích cực công tác phòng chống dịch bệnh động vật, đảm bảo tình hình an ninh trật tự; cử người tham gia các chốt, tổ cơ động các cấp khi có áp lực dịch bệnh hoặc có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Sở Thông tin & Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Ấp Bắc: Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân hiểu biết về tác hại của bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, nguy cơ tái phát dịch để người dân cảnh giác và hợp tác tốt với ngành chức năng khi có dịch bệnh xảy ra.
TA