Thứ Tư, 24/04/2013, 14:23 (GMT+7)
.

Truyền thông nâng cao kỹ năng phòng, chống cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9)

Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm ở người, Trung tâm Truyền Thông Giáo dục sức khỏe Tiền Giang vừa tổ chức tập huấn truyền thông phòng, chống cúm A (H5N1) và (H7N9) cho cán bộ y tế hệ điều trị của Trung tâm Da liễu và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cán bộ tham gia truyền thông, giám sát phòng, chống dịch bệnh, chủ động  phòng, chống dịch cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9 ) để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ảnh: Vân Anh
Tiếp xúc với gia cầm mà không có phương tiện bảo vệ vẫn thường thấy tại các chợ. Ảnh: Vân Anh

Cán bộ y tế được cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác truyền thông phòng, chống lây nhiễm cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9) ở người. Cả hai chủng cúm nguy hiểm này đều bắt nguồn từ gia cầm, vì thế nguy cơ lan thành dịch là rất lớn.

Ngoài ra, cán bộ y tế cũng cần nắm vững và góp phần truyền thông trong cộng đồng về khuyến cáo của Bộ Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9). Bộ Y tế Khuyến cáo cần thực hiện tốt các biện pháp như: Thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Người trở về từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tập huấn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền và Trung tâm Y tế 10 huyện, thị, thành của tỉnh và các đơn vị có liên quan.

THANH HOÀNG

.
.
.