Những biện pháp tích cực phòng, chống các loại dịch cúm
Trước mối đe dọa từ dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, dịch cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm đang xảy ra tại các tỉnh, thành, trong đó có Tiền Giang, ngành Thú y và ngành Y tế đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp tích cực để phòng, chống các loại dịch gây chết người này.
![]() |
Vịt chạy đồng có nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm trên diện rộng. |
Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu (T.Q.H), Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, trong các ổ dịch cúm A/H5N1 vừa qua, Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu chủ các cơ sở dẫn dụ và nuôi chim yến khi phát hiện chim yến bị chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất; thường xuyên vệ sinh nhà nuôi, bảo hộ cá nhân khi chăm sóc chim yến và khai thác tổ yến.
Đối với công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngành Thú y đã và đang tập trung thực hiện việc dự trù và cung ứng kịp thời vắc xin, thuốc sát trùng, vật tư và bảo hộ cá nhân phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Phối hợp Ban chỉ đạo địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tính nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và biện pháp phòng, chống. Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm để phát hiện nhanh, xử lý sớm.
Đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm. Tham gia Đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trái phép.
Phóng viên: Tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp. Đối với cộng đồng, chúng ta dựa vào dấu hiệu nào để khuyến cáo nhận biết gia cầm nhiễm bệnh, thưa Tiến sĩ?
![]() |
Tiến sĩ T.Q.H:
Để phát hiện gia cầm nhiễm bệnh, trong cộng đồng nói chung, đặc biệt là đối với người chăn nuôi cần nhận ra gia cầm bình thường thì nhanh nhẹn, linh hoạt, mồng tích đỏ tươi, cánh úp gọn vào thân, lông mượt mà, ăn uống bình thường, gia cầm mái đẻ trứng đều đặn.
Còn gia cầm bệnh thường có biểu hiện ủ rũ, đứng hoặc nằm một chỗ, mồng tích tím tái hoặc nhợt nhạt, cánh xã xuống, lông xơ xác, ăn uống kém hoặc bỏ ăn, gia cầm mái giảm đẻ hoặc ngưng đẻ.
Ngoài ra, chúng ta có thể nhận biết gia cầm có dấu hiệu bệnh cúm như: Đàn gia cầm có hiện tượng chết liên tục 3-5 ngày, nhiều loại gia cầm mắc bệnh cùng lúc (nếu nuôi chung nhiều loại gia cầm), đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin cúm có một số dấu hiệu đặc trưng: Co giật, quẹo cổ, xuất huyết vẩy chân (đối với gà), đa số phủ tạng đều bị xuất huyết…
Tuy nhiên, những dấu hiệu này cũng có thể giống các bệnh khác ở gia cầm, vì vậy cùng với nhận biết cần phải xét nghiệm mới biết chính xác. Tích cực nhất là khi người chăn nuôi phát hiện đàn gia cầm có dấu hiệu bệnh, chết bất thường thì khai báo ngay cho UBND xã hoặc cơ quan thú y gần nhất hoặc điện thoại đến đường dây nóng báo dịch miễn phí 0733888111 để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
Phóng viên: Vào thời điểm dịch cúm gia cầm có thể bùng phát, tiến sĩ có khuyến cáo gì trong cách phòng, tránh dịch cho người chăn nuôi?
Tiến sĩ T.Q.H:
Thông thường, có 3 yếu tố cơ bản để xảy ra dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm như: Có sự hiện diện của virus cúm A/H5N1 trong môi trường chăn nuôi, mầm bệnh đủ số lượng để gây bệnh; đàn gia cầm không có bảo hộ đối với vi rút cúm A/H5N1.
Trên cơ sở này, để hạn chế rủi ro do bệnh cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm, người chăn nuôi cần thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học nhằm kiểm soát mầm bệnh vào trại qua động vật, con người, phương tiện vận chuyển và vật dụng chăn nuôi nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào trại để tiếp xúc với chim nuôi; đồng thời phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để loại bỏ hoặc giảm số lượng mầm bệnh.
Ngoài thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, nông dân còn phải quan tâm tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Thông thường 21 ngày sau khi gia cầm được tiêm phòng thì sẽ có bảo hộ với mầm bệnh. Thời gian bảo hộ này có thể kéo dài từ 4-6 tháng. Như vậy, để bảo vệ tốt đàn gia cầm, nông dân phải thực hiện đồng thời và triệt để 2 biện pháp: Chăn nuôi an toàn sinh học và tiêm phòng vắc xin.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Bác sĩ Trần Thanh Thảo (T.T.T), Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, chúng ta chưa phát hiện ca nhiễm cúm A/H7N9 nào ở Việt Nam nói chung và ở Tiền Giang nói riêng. Còn bệnh cúm A/H5N1 thì đã xuất hiện 3 ổ dịch ở Tiền Giang trên đàn vật nuôi nhưng cũng chưa phát hiện ca nhiễm nào trên người. Tuy nhiên, đối với loại dịch cúm gây chết người này, chúng ta không thể chủ quan, lơ là mà phải phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có ổ dịch, không để lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do ổ dịch gây ra.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, trước đây Tiền Giang có những ca tử vong do nhiễm cúm A/H5N1. Vì vậy, trong đợt tái phát bệnh cúm lần này, ngành Y tế đã chuẩn bị những gì để đối phó khi dịch xảy ra?
![]() |
Bác sĩ T.T.T:
Ngành Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho mọi người dân; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt để đối phó kịp thời nếu có ca bệnh cúm A/H5N1 xảy ra trên người. Trong đó, hệ dự phòng phải chuẩn bị thuốc phòng ngừa, hóa chất khử khuẩn, các trang phục phòng hộ cũng như kiện toàn lại các đội chống dịch lưu động.
Khi có nguy cơ như những trường hợp có người tiếp xúc với 3 ổ dịch xuất hiện trên gia cầm ở huyện Châu Thành, Cái Bè và Chợ Gạo vừa qua, ngành Y tế lập danh sách người tiếp xúc trực tiếp, người ở các hộ lân cận, thăm hỏi sức khỏe những người trong hộ có gia cầm mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm những người có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp cấp.
Trung tâm Y tế huyện phối hợp Đoàn Thanh niên xã phun chloramin khử trùng trong và ngoài nhà ở cho hộ có gia cầm mắc bệnh và các hộ lân cận. Tuyên truyền, hướng dẫn cho những người có tiếp xúc và các hộ dân trong khu vực ổ dịch các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm A/H5N1.
Hệ điều trị cũng phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, phương tiện cho chẩn đoán và điều trị, cách ly theo quy định, phương tiện vận chuyển, các loại máy móc, thiết bị y tế, các cơ số thuốc men, hóa chất… cho công tác khám, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
Phóng viên: Dịch cúm A/H7N9 đang xảy ra ở Trung Quốc và đang lây lan nhanh. Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng chưa xuất hiện ca nhiễm nào nhưng nguy cơ lây lan là rất cao. Vậy ngành đã chuẩn bị gì khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên?
Bác sĩ T.T.T:
Mặc dù chưa có ca bệnh cúm A/H7N9 ở nước ta nhưng nguy cơ lây lan rất cao do Trung Quốc giáp ranh nước ta và do các loại chim hoang dã không hề có biên giới cố định. Cho nên, phải hết sức cảnh giác và chuẩn bị mọi mặt để chủ động phòng, chống cúm A/H7N9, một loại bệnh có diễn biến khá phức tạp và tỷ lệ tử vong rất cao.
Trước tiên, ngành Y tế tham mưu để UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi ở các cấp; chủ động, sẵn sàng đối phó trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh; củng cố, hoàn thiện các đội chống dịch các cấp; tổ chức tập huấn chuyên môn, kỹ thuật đảm bảo nâng cao kỹ năng giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh kịp thời, đúng theo quy trình quy định.
Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác bao vây, khống chế dịch tại cộng đồng; sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất, phương tiện cấp cứu và chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc… đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp nhận, điều trị cho người bệnh tại các cơ sở y tế khi có dịch lớn xảy ra.
Phối hợp với các ngành, các cấp, nhất là với ngành NN&PTNT đẩy mạnh công tác truyền thông; giáo dục phòng, chống cúm A lây sang người.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng đặt ra nhiều tình huống như: Chưa có trường hợp bệnh trên người, các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa lây từ người sang người, phát hiện có trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ, dịch bùng phát ra cộng đồng… để dự trù nguồn lực và chủ động trong việc xử lý các tình huống khi có dịch xảy ra.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!
Người dân không nên chủ quan với cúm A/H1N1 Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua đã xác định thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 và 3 ca nhiễm cúm A thông thường. Theo lời kể của bệnh nhân, thì cả hai gia đình đều có những thành viên khác mắc bệnh nhưng nhẹ hơn. Vì thế, các bác sĩ cho rằng, nhiều khả năng đây cũng là chùm ca bệnh do cúm A/H1N1, giống như chùm ca bệnh cúm ghi nhận trước đó ở Yên Bái và Thanh Hóa. Tính từ đầu năm tới nay, đã có 3 người tử vong vì cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai. Theo Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, vi rút cúm A/H1N1 nguy hiểm bởi có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp. Vi rút này còn nguy hiểm bởi gây viêm cơ tim, khiến bệnh nhân có thể suy tim cấp, ngưng tim. Các tai biến này đều có thể dẫn đến tử vong. Điều trị viêm phổi có nguyên nhân vi rút khó khăn bởi hầu hết các bệnh nhân sau đợt nhiễm cúm đều suy giảm sức đề kháng trong khi thuốc kháng vi rút chỉ có hiệu quả cao khi điều trị sớm, tốt nhất trong vòng 48 giờ đầu. Vì vậy, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế sớm khi có biểu hiện sốt cao, khó thở bởi khi tức ngực, khó thở là đã có dấu hiệu của diễn biến nặng. Theo nhận định của Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cúm A/H1N1 hiện lưu hành như một cúm mùa thông thường nhưng người dân không nên chủ quan. Trong đó, cúm A/H1N1 nguy hiểm hơn vì dễ lây từ người sang người. Đa phần các ca nhiễm cúm là nhẹ, tự khỏi bệnh nhưng vẫn có tỷ lệ tử vong nhất định. Nguy cơ tử vong cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính... (Nguồn: dangcongsan.vn) |
SĨ NGUYÊN