Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới
Đó là tên gọi của một mô hình được xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho triển khai thực hiện 2 năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, giúp nâng cao ý thức của người dân về bình đẳng giới.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh Doãn Thị Hồng Mai, năm 2018, xã Tân Mỹ Chánh được tỉnh Tiền Giang chọn làm điểm xây dựng mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” (gọi tắt là Mô hình). Từ đó, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Mô hình và 6 Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (viết tắt là PCBLTCSG) tại 6 ấp của xã.
Mặt khác, do có Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đóng trên địa bàn nên để thuận lợi trong việc giúp các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới có nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp, hỗ trợ họ nhanh chóng phục hồi về sức khỏe và tâm lý, xã đã chọn trung tâm này làm “Địa chỉ tin cậy” và “Nhà tạm lánh” để phục vụ cho Mô hình.
Ban Chỉ đạo Mô hình phối hợp thành viên các Câu lạc bộ PCBLTCSG tuyên truyền đến các hộ gia đình về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. |
Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn xã Tân Mỹ Chánh chỉ có một vài trường hợp xảy ra mâu thuẫn, xung đột nhỏ trong gia đình được Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ PCBLTCSG của xã kịp thời phát hiện, can thiệp và hòa giải thành công. Đến nay, trên địa bàn xã tình trạng trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình giảm rõ rệt, tình làng nghĩa xóm được gắn kết.
Theo Ban Chỉ đạo Mô hình, khi mới thực hiện các Câu lạc bộ PCBLTCSG chỉ có vài thành viên tham gia, tuy nhiên qua sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ hằng quý với nhiều nội dung phong phú như tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình..., từng bước nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho người dân, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu hệ lụy của bạo lực giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn xã tham gia. Nhiều thành viên các câu lạc bộ đã tích cực tham gia tư vấn, hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong gia đình.
Đồng chí Châu Văn Công, công chức Văn hóa - Xã hội, Phó Ban Chỉ đạo Mô hình của xã Tân Mỹ Chánh cho biết: “Tham gia sinh hoạt ở các Câu lạc bộ PCBLTCSG không chỉ có những người bị bạo lực, mà còn có người dân địa phương, trưởng ấp, hội viên các hội đoàn thể. Mọi người cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình cũng như kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau phát triển kinh tế, tạo môi trường đầm ấm trong gia đình”.
Là 1 trong những gia đình tiêu biểu của ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh về xây dựng gia đình hạnh phúc, anh Đoàn Văn Toàn chia sẻ: “Được tham gia các buổi sinh hoạt, tư vấn tại Câu lạc bộ PCBLTCSG, tôi có điều kiện tiếp thu một số kiến thức, kinh nghiệm giải quyết mâu thuẫn, từ đó về truyền đạt lại cho các thành viên trong nhà để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ngoài ra, tôi còn tích cực tuyên truyền cho hàng xóm xung quanh hiểu và nhận thức đúng về giới, bình đẳng giới trong gia đình”.
Việc duy trì, triển khai hiệu quả Mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân về bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ; nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Khi những thắc mắc về hôn nhân, gia đình, vấn đề bình đẳng giới được giải đáp, hiểu được nguyên nhân, hậu quả của bạo lực giới, bạo lực gia đình, người dân mạnh dạn chia sẻ và tham gia ngăn chặn.
Trên cơ sở thực hiện bình đẳng giới, thuận vợ thuận chồng, đồng lòng phát triển kinh tế, Mô hình đã góp phần cùng xã Tân Mỹ Chánh giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,17%.
P. MAI