.

Bệnh viện đa khoa Tiền Giang đã có khoa điều trị rắn cắn hiệu nghiệm

Cập nhật: 10:25, 08/02/2013 (GMT+7)

Trước đây khi bị rắn cắn, gia đình nạn nhân thường chọn cơ sở điều trị rắn cắn danh tiếng ở Tiền Giang, nhưng từ năm 2001 đến nay đã có một địa chỉ khác là Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (HSTCCĐ) của Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, nơi nhận điều trị tất cả những trường hợp rắn cắn nặng.

GHÉ BỆNH VIỆN VÌ… BẤT ĐẮC DĨ

Bác sĩ Lê Văn Sơn, Trưởng khoa HSTCCĐ của bệnh viện kể lại cho chúng tôi nghe về ca rắn cắn đầu tiên, đó là một lão nông ở huyện Gò Công Đông

Vết rắn cắn bên cổ chân phải của anh Trần Văn T.
Vết rắn cắn bên cổ chân phải của anh Trần Văn T.

Khi đi ra ruộng ông bất ngờ bị rắn cắn. Gia đình vội mướn xe dự tính đưa lên một cơ sở điều trị rắn cắn cách bệnh viện Tiền Giang chừng 5 cây số. Khi xe chạy đến Cầu Quay thì nạn nhân trào đờm và ngưng thở. Bí quá tài xế lái xe đưa vào bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ cấp cứu của bệnh viện nhanh chóng hồi sức, phải thở máy, dùng huyết thanh kháng nọc rắn cho nạn nhân… sau vài giờ thì nạn nhân này đã tỉnh lại và tiếp tục điều trị đến khi khỏi hẳn.

Với quan điểm là một bệnh viện vùng đồng bằng Nam bộ, nhân dân làm nông nghiệp là chính, lại phải đối phó với thiên tai, lũ lụt hàng năm, nên vùng này thường xuyên xảy ra tai nạn do rắn độc cắn, từ đó Ban Giám đốc bệnh viện tỉnh đã quyết định đầu tư các trang thiết bị để cấp cứu rắn cắn và những ca ngộ độc khác, cũng như kết hợp với trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội để đào tạo nhiều thầy thuốc có chuyên khoa sâu về vấn đề này.

Những trang thiết bị như máy giúp thở, máy lọc thận liên tục, xét nghiệm sinh học, miễn dịch, huyết thanh kháng nọc rắn, ngân hàng máu…đã được trang bị đầy đủ cho khoa HSTCCĐ góp phần điều trị hoàn chỉnh và hiện đại đạt yêu cầu chuyên môn cao nhất cho những nạn nhân bị rắn độc cắn.

TIẾNG LÀNH ĐỒN XA

Chiều ngày 15-1-2010 anh Trần Văn T, sinh năm 1978 quê ở Gò Công, trong lúc ra chuồng vịt cho vịt ăn, chẳng may đạp nhằm một con rắn hổ đất, nó quay đầu lên quặp vào cổ chân phải. Anh T đau điếng chạy vô nhà, rồi gia đình đưa đi thầy thuốc rắn ở địa phương.

Đến tối thì anh khó thở, gia đình đưa vào bệnh viện huyện đặt ống giúp thở vào phổi rồi chuyển lên bệnh viện tỉnh. Khi vào viện anh T hoàn toàn ngưng thở, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tay chân lạnh giá. Vùng cổ chân bị sưng và da chuyển thành màu đen. Các bác sĩ khoa HSTCCĐ đã nhanh chóng đặt máy giúp thở cho nạn nhân, rồi truyền dịch chống sốc, tiêm huyết thanh kháng nọc rắn… sau 27 giờ thì anh T đã tự thở được và hồi phục sau đó 2 ngày.

Cũng trong năm 2010, ở Chợ Lách, Bến Tre có anh Võ Văn G, 48 tuổi trong lúc vớt lục bình dưới mương mang lên bờ, bất ngờ có một con rắn lục màu xanh như đọt chuối quấn lấy bắp vế và cắn nhiều nhát. Gia đình anh G lại đưa đi đắp thuốc nam, sau 3 tiếng đồng hồ thì G thấy chóng mặt và ngất xỉu, nên vội vã đưa vào bệnh viện địa phương. Tại bệnh viện địa phương bác sĩ điều trị thấy nạn nhân bị sốc nặng nên tiến hành chống sốc; đồng thời hội ý với Bệnh viện đa khoa Tiền Giang để chuyển bệnh nhân sang điều trị tiếp.

Khoa HSTCCĐ nhận anh G trong tình trạng mạch bằng không, huyết áp bằng không, da xanh lè không còn một chút máu, bắp vế của anh sưng to, bầm tím và da rộp lên chứa đầy máu đen, chân răng anh cũng bị chảy máu liên tục. Các bác sĩ đã khẩn trương truyền máu, tiêm huyết thanh chống nọc rắn lục, thuốc chống đông máu, thuốc vận mạch…Khi tình trạng anh G ổn định, bệnh viện đã tiến hành ghép da cho anh vì da vùng này đã bị hoại tử rộng không lành được.

Mới đây, ở xã Phước Trung, Gò Công Đông, trong lúc đi thăm đồng, anh Trần Văn Vũ L, 32 tuổi thấy một lổ mọi ở bờ ruộng làm nước chảy ra ngoài rất nhiều, L dùng chân đạp vào lổ mọi để lấp kín, bất chợt một con rắn hổ đất  khoảng 2 kg từ trong lổ mọi chui ra cắn phập vào ngón chân cái, L rút chân lên kéo theo con rắn lủng lẳng vì hai chiếc răng sắc nhọn vẫn còn cắp sâu vào da thịt của L. L thấy đau nhức tận xương, rồi thấy hoa mắt, vật vã, rủ riệt gân cốt, sụp mi mắt, thở không nổi, gia đình đưa ngay vào bệnh viện.

Tại Khoa HSTCCĐ đã đặt máy giúp thở kết hợp dùng thuốc cấp cứu tích cực, hai ngày sau thi L vựợt qua khỏi lưỡi hái tử thần.

Theo bác sĩ Lê Văn Sơn, hàng năm có khoảng 25 trường hợp rắn cắn vào điều trị tại bệnh viện, và trên 10 năm nay chưa có trường hợp nào tử vong do rắn cắn khi điều trị tại Khoa HSTCCĐ. Bác sĩ Sơn cũng khuyên bà con mình nếu chẳng may bị rắn cắn thì hãy nhanh chóng băng ép cố định tay, chân bị cắn và đưa vào bệnh viện liền, không nên ga rô, không đắp thuốc nam hay điều trị ở những nơi thiếu các điều kiện điều trị rắn cắn như huyết thanh kháng nọc rắn, máy giúp thở….

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.