“Hết nước, vẫn còn tát”
Dù không muốn, song trong đời có ai không đến với thầy thuốc. Đặc biệt là những trường hợp thật mong manh, thậm chí không còn hy vọng… Với thầy thuốc, dù trường hợp nào họ cũng giành giật mạng sống với tinh thần “hết nước vẫn còn tát”.
BÓP TIM TRỰC TIẾP BẰNG… TAY
Một thanh niên được một nhóm bạn bè cùng trang lứa khiêng vào bệnh viện vì có một vết thương ở ngực trái đang chảy máu. Nhóm người này rất ồn ào, la lối yêu cầu cấp cứu ngay cho nạn nhân, làm náo loạn cả phòng cấp cứu. Bác sĩ trực cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân và trấn an đám đông, khuyên mọi người bình tĩnh, rồi cho nạn nhân chụp X quang ngay tại giường.
Kết quả trên phim là hình ảnh của một lưỡi dao nhọn, phía đuôi dao có móc đã nằm gọn trong lồng ngực nạn nhân. Nạn nhân được chuyển ngay lên phòng mổ. Bác sĩ phẫu thuật nhanh chóng mở lồng ngực nạn nhân ra và nhìn thấy lưỡi dao từ thành ngực xuyên qua tim, làm rách cả phổi trái và phổi phải. Ông thận trọng kéo lưỡi dao ra ngoài thì máu từ trái tim nạn nhân cũng phụt ra và tim đột ngột ngừng đập. Bác sĩ nhanh chóng dùng một tay bịt lấy dòng máu, tay còn lại nhanh chóng bóp lấy trái tim nhằm kích thích cho tim đập trở lại.
Những giây phút lặng im trôi qua, chỉ có tiếng sột soạt của bàn tay bác sĩ đang bóp tim và tiếng bíp bíp của máy giúp thở. Mồ hôi lấm tấm rịn trên trán cả ê kíp phẫu thuật, những đôi mắt căng thẳng dồn hết vào trong phẫu trường.
Bất chợt mỏm tim nẩy lên trong lòng bàn tay của người bác sĩ, một nhịp rồi hai nhịp và nó tăng dần lên. Biểu đồ điện tim như những mũi nhọn xuất hiện trên màn hình máy thở. Cô bác sĩ gây mê nói như reo: “Tim có rồi! Đập lại rồi!”. Cả kíp phẫu thuật thở phào nhẹ nhõm. Bác sĩ phẫu thuật nhanh chóng khâu lổ thủng của tim và vá lại vết rách hai lá phổi. Một tuần sau thì bệnh nhân ổn định và ra viện.
Phẫu thuật viên chính cho trường hợp này là một tiến sĩ - bác sĩ còn rất trẻ, với tinh thần “hết nước vẫn còn tát”, đã cùng với cả kíp trực cố gắng giành lấy sự sống cho người bệnh dù tim của người ấy đã ngừng đập, cuộc sống tưởng chừng như đã chấm dứt sau một buổi tối định mệnh.
NỖ LỰC CỨU NGƯỜI
Cháu bé gái mới 3 tuổi, nhà ở xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) được bà ngoại dẫn ra đầu ngỏ để đón ba mẹ đi làm về, bất ngờ bị một con rắn lục cắn vào bàn chân. Gia đình đưa cháu đi thầy thuốc rắn cắt lể, vết thương chảy máu suốt đêm, ướt đẫm cái khăn tắm của bà ngoại.
Đến sáng cháu kêu mệt, bà mới đưa cháu vô bệnh viện. Bác sĩ khám thấy bàn chân của cháu có hai vết thương sâu đang chảy máu, xung quanh sưng nề, bầm tím và dọc theo bắp vế có nhiều vết cắt chảy máu đầm đìa. Tay chân cháu lạnh giá, mạch không bắt được, toàn thân cháu tím tái. Bác sĩ đánh giá cháu đang trong tình trạng bị trụy mạch vì mất máu nặng, đã nhanh chóng truyền dịch, truyền máu và huyết thanh kháng nọc rắn.
Các cô điều dưỡng tìm mạch để luồn kim chích, nhưng do mạch máu của cháu đã bị xẹp, loay hoay một lúc lâu mà không thể chích vào được tĩnh mạch nào cả. Nhiều bác sĩ có kinh nghiệm được mời đến hỗ trợ mổ mạch máu của cháu ra để luồn trực tiếp ống thông vào mạch máu, nhưng cũng không xong. Tình trạng sức khỏe cháu suy sụp từng phút một, cháu thở yếu dần và nấc lên từng nhịp như con cá đang thở ngáp.
Ngay thời điểm gần như tuyệt vọng đó, cô điều dưỡng trưởng khoa đã chích được một mạch máu còn lại duy nhất ở trên đầu của cháu sau khi cháu bị cạo hết tóc. Bác sĩ nhanh chóng cho ngay dịch truyền để cứu cháu, trước mắt vô nước biển để nâng huyết áp cháu lên. Vẫn chưa hết khó khăn, vì chỉ một đường truyền không thể đủ cùng lúc cho nhiều loại thuốc cấp cứu là máu, thuốc trợ tim, thuốc kháng nọc rắn, dịch truyền…, loại nào cũng quan trọng cả.
Một đề xuất táo bạo được đưa ra và nhanh chóng được mọi người đồng thuận là gắn hai cây ba chia chồng lên nhau, để có thể đưa nhiều loại thuốc vào cùng một đường truyền, bảo đảm các loại thuốc này không kháng lại với nhau.
Ba mươi phút, rồi một giờ, hai giờ trôi qua, mạch của cháu bắt đầu xuất hiện lăn tăn, rõ dần. Môi cháu hồng lại. Nhịp thở đều, êm dịu lại. Lúc này bà ngoại cháu mới hỏi bác sĩ: “Nó đỡ chưa bác sĩ?”. Vị bác sĩ già, tóc bạc đưa tay vỗ vỗ vai bà ngoại cháu: “Tốt rồi, bà an tâm, cháu sẽ sống!”. “Trời ơi, thiệt hả bác sĩ!”. Bà nói dứt câu, vội chạy ra ngoài cửa phòng cấp cứu, nơi có nhiều người thân và cả những người hiếu kỳ đang đứng vây quanh la lên: “Cháu tôi sống rồi, cháu tôi sống rồi!”.
Người ta thấy hai hàng nước mắt bà rơi lả chả trên đôi gò má nhăn nheo của bà - những giọt nước mắt sung sướng như chưa có niềm vui nào hơn thế. Cháu được cứu sống là nhờ sự nỗ lực của cả tập thể thầy thuốc của Phòng Cấp cứu nhi. Họ không lùi bước trước khó khăn, tìm mọi cách và phương tiện có trong tay, sáng tạo trong chuyên môn nhằm có thể giúp cho bệnh nhi vượt qua cơn hiểm nghèo.
Người xưa thường nói: Những nỗ lực cứu người của người thầy thuốc là thực hiện quyết tâm “còn nước còn tát”, nhưng thực tế ngay cả khi nước đã hết, chỉ còn lại những hạt bụi và mảnh bùn cuối cùng của mạch sống, nếu người thầy thuốc vẫn quyết tâm cứu chữa cho bệnh nhân thì vẫn có thể thành công.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC