Thứ Năm, 27/02/2014, 05:47 (GMT+7)
.

Khắc phục khó khăn hạn chế, giữ gìn hình ảnh người thầy thuốc trong sáng

Tầm soát bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh
Tầm soát bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh. Ảnh: Dương Hoàng Lộc

Cách đây 59 năm, ngày 27-2-1955 Bác Hồ đã gửi thư cho các cán bộ y tế nhân Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc lần thứ nhất, trong đó Bác đã đóng góp những ý kiến thiết thực, vô cùng bổ ích, mà cho đến nay những lời dạy của Bác là tư tưởng chỉ đạo về chiến lược và đường lối xây dựng, phát triển ngành Y tế Việt Nam.

Để đề cao trách nhiệm và vị trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biểu dương thành tích, động viên toàn ngành ra sức thi đua phục vụ người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và với ý nghĩa tôn vinh những người thầy thuốc, tôn vinh truyền thống cao đẹp của ngành Y tế, ngày 6-2-1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định 39/HĐBT, lấy ngày 27-2 hàng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

Kể từ đó, ngày 27-2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế. Ngày “Thầy thuốc Việt Nam” là dịp để mọi người tri ân sự hy sinh, tận tụy của những thầy thuốc đã hết lòng cứu sống biết bao sinh mạng con người; đồng thời cũng là dịp để các cán bộ y tế học tập và ôn lại những lời dạy của Bác, cùng nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp của ngành, đánh giá những thành tựu cũng như những hạn chế, qua đó ngành có căn cứ xây dựng kế hoạch cho tương lai.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đội ngũ cán bộ y tế của nước ta từ Trung ương đến cơ sở đã nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, coi việc cứu mạng sống của con người là quan trọng nhất, còn cao hơn cả tính mạng của chính mình. Đã có nhiều câu chuyện cảm động về cuộc chiến đấu của họ để giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần và về sự tri ân của những người từ “cõi chết trở về” đối với người thầy thuốc. Những người thầy thuốc đó đã trở thành niềm tự hào của ngành Y tế Việt Nam.

Tại Tiền Giang, trong chiến tranh, đã có biết bao tấm gương tận tụy, hy sinh vô điều kiện của những người thầy thuốc chiến sĩ. Có trường hợp phải đứng mổ liên tục 2 ngày đêm, không ngủ; mùa nước nổi tổ chức đóng bè chuối cho thương binh nằm, y - bác sĩ đứng dưới nước để mổ; liên tục dùng miệng hút đờm, hiến máu để cứu sống đồng đội; bất chấp hiểm nguy dưới làn bom, pháo của kẻ thù vẫn vững vàng trên bàn mổ.

Cán bộ y tế và nhân dân tỉnh nhà mãi mãi ghi nhận những chiến công, thành tích xuất sắc của: Bác sĩ Hàng Nhựt Tâm - Trưởng ty Y tế TP. Mỹ Tho, bị địch khui hầm đã dùng lựu đạn đánh địch và hy sinh khi bắn hết đạn.

Y sĩ Lê Thị Lệ Chi - Trưởng Bệnh xá Dân y huyện Chợ Gạo và đồng nghiệp là y tá Lê Thị Ngọc Tiến bị địch bắt, tra tấn dã man vẫn giữ vững khí tiết; địch mổ bụng moi gan đồng đội để uy hiếp, vẫn kiên quyết không khai; chấp nhận kẻ thù mổ bụng sống, moi gan mình để bảo vệ an toàn 18 thương binh và những cơ sở cách mạng trong vùng.

Hay y sĩ Nguyễn Văn Trạch, y sĩ Võ Văn Lung - Trưởng ban Dân y huyện Chợ Gạo; bác sĩ Nguyễn Tiến Cường; y sĩ Sáu Hường, Thu Hồng... là những tấm gương sáng ngời y đức, vừa là người thầy thuốc, vừa là người chiến sĩ kiên trung, bất khuất, đã ngã xuống trên chiến trường.

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho trẻ. 		Ảnh: Duy Anh
Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho trẻ. Ảnh: Duy Anh

Trong thực tế hiện nay, vẫn có những lời than phiền về y đức của thầy thuốc, về sự tắc trách thiếu trách nhiệm của cơ sở y tế, về những tai biến chuyên môn không lường trước được.

Trong năm 2013, đã có những cái chết của một số sản phụ gây bức xúc trong dư luận; những cái chết do tiêm ngừa vaccine gây hoang mang trong cộng đồng; những cái chết sau khi khám và điều trị tại các phòng khám tư nhân… đã tạo nên một bức tranh màu xám cho ngành Y tế, đến nỗi nhiều người cho rằng y đức ngày nay bị xuống cấp nghiêm trọng.

Điều này không thể phủ nhận, nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Khách quan đánh giá, đội ngũ thầy thuốc nước ta hiện nay vẫn giữ được y đức và có y thuật cao, ngày đêm tận tụy vì sức khỏe nhân dân.

Trừ một số ít “con sâu” trong hàng trăm ngàn thầy thuốc đã, đang và sẽ tiếp tục ngày đêm phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Không thể vì một số “con sâu” mà đánh giá sai về những cống hiến đáng ghi nhận của đại đa số thầy thuốc, không thể làm phai mờ những thành tích đáng tự hào mà ngành Y tế nước ta đã đạt được. Đó là thắng lợi của những thầy thuốc Việt Nam trên mặt trận phòng chống, khống chế dịch bệnh thành công, không để bùng phát thành dịch lớn như: dịch cúm A (H5N1), cúm A(H1N1), SARS, dịch tả...

Nhiều chứng bệnh nguy hiểm đã được điều trị hiệu quả, một số bệnh đã được loại trừ hoặc thanh toán như bệnh đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt, phong…; nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng thực hiện ở các tuyến. Tất cả những điều này đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) của Việt Nam.

Một số thầy thuốc còn tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh, không nhận thù lao của bệnh nhân. Có người còn giúp đỡ tiền để bệnh nhân nghèo chữa bệnh. Có người còn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo… Hàng ngày, hàng giờ, các y - bác sĩ tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, với máu, mủ và với đủ thứ vi trùng, virus…

Vậy mà, khi vào ca trực là các y - bác sĩ sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… Vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho bệnh nhân.

Tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Y tế, ý thức về trách nhiệm lớn lao mà Bác Hồ đã dạy, Đảng và nhân dân giao phó, ngành Y tế Tiền Giang sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục hạn chế, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, giữ gìn hình ảnh người thầy thuốc trong sáng, đáng kính trong lòng mọi người; đồng thời phấn đấu học tập và rèn luyện về mọi mặt để đáp ứng kịp thời và đầy đủ yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới, thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, một danh y của Việt Nam đã từng nói về yêu cầu cần phải có của người thầy thuốc trong tác phẩm Tiểu doãn y tâm án như sau: “Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống chết một tay mình nắm, phúc họa một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”.

Chính vì vậy, nhân dân ta rất tôn trọng người thầy thuốc và cho rằng người thầy thuốc cũng như người thầy giáo là người có trình độ, là trí thức, nhân ái, đức độ, tận tụy với nghề, xoa dịu nỗi đau của người bệnh; người bệnh xem người thầy thuốc là ân nhân cứu mạng cho mình.

BS CKII TRẦN THANH THẢO

(Giám đốc Sở Y tế)

.
.
.