Bài 2: Thiếu giường bệnh và trang thiết bị y tế
Bệnh nhân phải nằm ghế bố, nằm cả ngoài hành lang bệnh viện và không ít bệnh nhân phải chuyển viện vì không có thiết bị cận lâm sàng để chẩn đoán… Đây là thực trạng đang diễn ra hàng ngày tại nhiều cơ sở điều trị công lập hiện nay.
BỆNH VIỆN QUÁ TẢI
Thời gian qua tỉnh có sự quan tâm đầu tư phát triển ngành Y tế, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của ngành.
![]() |
Tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, nhiều bệnh nhi phải nằm ở hành lang do bệnh viện quá tải trầm trọng. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh vừa hoàn tất đợt khảo sát thực trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện trong tỉnh và kết quả thực hiện Thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết.
Kết quả khảo sát cho thấy quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp là tình trạng chung của hầu hết các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh. Trừ Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Phước, công suất sử dụng giường bệnh chỉ ở mức 50%, còn lại các bệnh viện khác vừa xây xong đã phải tăng giường bệnh lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thiết kế ban đầu.
Các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xây dựng từ năm 1998 đến năm 2007, nay đều xuống cấp. Phần sơn bên trong phòng cũ kỹ, ẩm mốc, rất nhiều chỗ bị bong tróc, nhiều nơi bị dột. Trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp như vậy, bệnh viện vẫn đang gánh một lượng bệnh nhân vượt quá mức thiết kế. Bệnh viện được thiết kế ban đầu với 780 giường bệnh, nhưng số giường thực kê có lúc lên đến 1.100 giường.
Không chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tại các bệnh viện tuyến tỉnh khác cũng lâm tình trạng quá tải, cụ thể như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công thiết kế ban đầu là 250 giường, nhưng thực kê là 359 giường. Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy được giao chỉ tiêu 350 giường, nhưng thực kê đến 527 giường, công suất sử dụng giường bệnh gần 140%.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngưu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy cho biết, bệnh viện đang quá tải trầm trọng, đặc biệt là tại khoa Sản và khoa Nhi. Tại 2 khoa này, bệnh viện phải kê giường ở hành lang, gầm cầu thang cho bệnh nhân nằm và căng bạt che nắng, mưa cho số bệnh nhân này. Khoa Nhi của bệnh viện có 70 giường nhưng luôn có khoảng 150 trẻ nằm viện.
Hiện bệnh viện đã tận dụng hết khoảng trống hành lang để kê giường nhưng vẫn không đủ chỗ, phải bố trí 2 - 3 trẻ/giường. Vì buổi trưa quá nóng nên phần lớn các bà mẹ phải ẵm con đi lòng vòng bệnh viện để hóng mát. Bác sĩ muốn khám bệnh phải thông báo trên loa mời trẻ về phòng bệnh.
Còn tại khoa Sản, do không có chỗ bố trí giường nên nhiều sản phụ mới sinh con phải nằm hành lang, gầm cầu thang... Được biết, khu điều trị mới của bệnh viện đang trong quá trình xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Theo Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 6 bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện việc liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị y tế. Có tất cả 9 máy, hệ thống máy khá hiện đại đã được xây dựng đề án liên doanh, liên kết và đưa vào sử dụng phục vụ người dân gồm: Hệ thống xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm đông máu, xét nghiệm huyết học, phẫu thuật nội soi ổ bụng, máy tán sỏi ngoài cơ thể… Việc liên doanh, liên kết của các đơn vị điều trị này thực hiện đúng theo Thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết. |
Do số lượng bệnh nhân vượt quá quy mô thiết kế nên nhiều bệnh viện phải kê thêm số giường gấp rưỡi, thậm chí gần gấp đôi so với số giường kế hoạch. Đây là khó khăn cho bệnh viện vì nhân lực và kinh phí cấp cho bệnh viện theo số giường kế hoạch được giao.
Do đó, quá tải bệnh nhân tạo áp lực rất lớn đối với các bệnh viện và cũng góp phần làm hạn chế chất lượng khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
THIẾU TRANG THIẾT BỊ KỸ THUẬT CAO
Nhìn chung, các bệnh viện tuyến tỉnh trong toàn tỉnh đều được ngân sách tỉnh, nguồn vốn của Trung ương và các dự án đầu tư trang bị các thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ngày một tốt hơn.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được trang bị như: Máy chụp cộng hưởng từ MRI, máy chụp cắt lớp CT Scanner, máy C-ARM, máy phẫu thuật nội soi, máy điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio…
Các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công, Bệnh viện Đa khoa Cái Bè đều được trang bị máy truyền dịch tự động, máy xét nghiệm sinh hóa, máy định danh vi khuẩn… Các phòng khám khám đa khoa khu vực trực thuộc Trung tâm Y tế huyện đều được trang bị theo chuẩn danh mục quy định của Bộ Y tế.
Các bệnh viện chuyên khoa cũng được đầu tư các trang thiết bị cần thiết. Tuy nhiên, một thực trạng là các trang thiết bị y tế hiện có tại các bệnh viện không đồng bộ, có nhiều chủng loại khác nhau do được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau. Các trang, thiết bị này đã qua sử dụng nhiều năm, thường hay hư hỏng.
Theo bác sĩ Võ Văn Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, so với yêu cầu của một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang còn thiếu rất nhiều trang thiết bị cần thiết để phục vụ bệnh nhân. Hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa đủ danh mục trang thiết bị của bệnh viện hạng 2. Chẳng hạn như chưa trang bị được máy xạ trị gia tốc điều trị cho bệnh nhân ung thư; chưa có hệ thống khí ôxy trung tâm....
Thực hiện việc xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế theo Thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế, các bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Nhà đầu tư chỉ đầu tư những máy móc, thiết bị y tế có giá trị thấp, hoàn vốn nhanh; các máy móc có giá trị lớn không được các nhà đầu tư quan tâm vì hiệu quả kinh tế không cao, trong khi bệnh viện không có tiền trang bị máy.
PGS.TS.BS Tạ Văn Trầm cho rằng, trong thời buổi khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại là tối cần thiết cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Thiếu trang thiết bị hoặc trang thiết bị lạc hậu tất yếu sẽ làm giảm hiệu quả khám và điều trị của bệnh viện. Do đó, để nâng cao chất lượng khám và điều trị của các bệnh viện, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ là điều vô cùng cần thiết.
THỦY HÀ
Bài 3: Thiếu nhân lực trầm trọng