Thứ Tư, 03/12/2014, 12:59 (GMT+7)
.

Vườn thuốc nam tại trạm y tế: Chưa được quan tâm chăm sóc tốt

Bộ Y tế đã có chủ trương khuyến khích phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền nhằm nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng vườn thuốc Nam và tuyên truyền giới thiệu về cây thuốc Nam tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Vườn thuốc Nam là 1 trong những tiêu chí bắt buộc khi chấm điểm xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng và duy trì vườn thuốc Nam tại trạm y tế chưa đạt như mong muốn.

dd
Đại biểu HĐND tỉnh tham quan vườn thuốc Nam của Trạm Y tế xã Mỹ Phước Tây, TX. Cai Lậy.

KỲ DIỆU CÂY THUỐC QUANH NHÀ

Các chuyên gia về dược liệu học khẳng định: “Người Việt Nam đang sống trên đống thuốc”. Thật vậy, y học đã chứng minh nhiều bài thuốc dân gian truyền nhau rất có hiệu quả trong điều trị bệnh, chẳng hạn: Thuốc chữa rắn cắn, thuốc chữa đau khớp, thuốc giúp hoạt huyết dưỡng não, thuốc giải độc gan, thuốc bổ thận… Điều đặc biệt là nguyên liệu để bào chế ra những bài thuốc quý đó không xa lạ, mà chính là những rau, quả, cây thuốc quanh nhà.

Theo các chuyên gia về Đông dược, việc sử dụng các bài thuốc Nam để chữa các bệnh thông thường có rất nhiều ưu điểm so với Tây dược. Các cây thuốc Nam dễ trồng, dễ tìm kiếm và thường được phổ biến dưới dạng các loại rau, trái cây, gia vị. Đa số các bài thuốc chữa một số bệnh thường gặp đều rất an toàn, ít gây tác dụng phụ; đồng thời tránh được hiện tượng lờn thuốc như thường gặp trong Tây y.

Mặt khác, việc phổ biến các cây thuốc Nam trong các vườn thuốc gia đình có ý nghĩa lớn trong việc sơ cứu những chứng bệnh nguy hiểm thường có chuyển biến nhanh như rắn cắn, sốt cao… Trong số những cây thuốc quý hiếm được trồng và giới thiệu có cây mật nhân chữa đau lưng, nhức mỏi; cây kim vàng chữa rắn cắn…

Chữa bệnh bằng thuốc Đông y không chỉ có lợi vì nguồn thuốc dễ tìm, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ mà còn ít tốn kém. Chính vì lẽ đó, việc xây dựng vườn thuốc Nam mẫu có ý nghĩa vô cùng to lớn. Không chỉ giới thiệu về cây thuốc Nam và cách sử dụng, các trạm y tế xã (phường, thị trấn) cần khuyến khích người dân nhân giống các loại cây trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần.

Bên cạnh đó, về mặt mỹ quan, các vườn thuốc Nam còn tạo cảnh quan đẹp, tăng khoảng không gian xanh, trong lành cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

CHƯA ĐƯỢC CHĂM CHÚT TỐT

Theo quy định của Bộ Y tế, xây dựng vườn thuốc Nam phải có trên 40 loại cây thuộc 9 nhóm dược liệu dùng để chữa một số bệnh thường gặp như: Tiêu chảy, mụn nhọt, đau xương khớp, cảm sốt, các bệnh về gan…; đồng thời phải có bảng hướng dẫn về công dụng của từng cây thuốc để người dân tìm hiểu.

Qua khảo sát, các loại cây thuốc thường được trồng và giới thiệu tại vườn thuốc Nam mẫu là những loại thường gặp như: Chanh, xả, tía tô, hương nhu, gừng, hẹ… Những cây thuốc này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm mạo, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm thông qua các hình thức sử dụng như uống, xông, đắp lên vết thương…

Hiện tại, tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều xây dựng được vườn thuốc Nam ngay trong khuôn viên trạm. Có điều, qua khảo sát, hiện nay vườn thuốc Nam ở hầu hết các trạm y tế chưa đạt như mong muốn. Hạn chế lớn nhất chính là ở chỗ vườn thuốc Nam chưa được quan tâm chăm sóc tốt. Do thiếu chăm sóc nên cây thuốc gầy guộc, khô héo không phát triển, thậm chí cây chết khô vẫn chưa được thay thế bằng cây khác.

Ở không ít vườn thuốc, tuy có nhiều loại cây nhưng thiếu cây thuốc quý; một số trạm trồng đủ 40 cây thuốc nhưng không đủ các nhóm cây thuốc theo quy định; thậm chí, một số cây thuốc có nhiều tên lại được trồng nhiều cây với những tên khác nhau, chẳng hạn cây chó đẻ được trồng 2 cây với 2 tên gọi khác nhau là chó đẻ và diệp hạ châu hay cây nghệ đen cũng được trồng thêm 1 cây với tên nga truật…

Phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh nhận xét: “Nhiều trạm y tế duy trì vườn thuốc Nam cho có để chấm điểm chứ thật sự chưa phát huy hiệu quả.

Một số trạm trong vườn thuốc Nam, nhiều cây thuốc chỉ có bảng tên và hướng dẫn sử dụng thuốc nhưng cây thuốc đã bị bỏ chết khô tự bao giờ. Một số trạm thì vườn thuốc Nam nằm ở góc khuất, người dân không dễ dàng nhìn thấy khi đến khám bệnh…”.

Chính vì vườn thuốc Nam chưa được quan tâm chăm sóc tốt tại trạm y tế nên công tác phổ biến để người dân trồng và sử dụng thuốc Nam chưa cao. Trong khi mục đích hướng tới của việc duy trì và phát triển vườn thuốc Nam tại trạm y tế là khuyến khích người dân sử dụng Nam dược trong điều trị một số bệnh thường gặp.

THỦY HÀ

.
.
.